MYOGLOBIN
(Myoglobinémie / Myoglobin)
NHẮC LẠI SINH LÝ
Myoglobin là một protein mang oxy và có chưa hem được thấy trong bào tương của các tế bào cơ tim và cơ vân. Myoglobin đóng vai trò như một bể chứa oxy để đáp ứng nhu cầu oxy trong một thời hạn rất ngắn.
Khi xảy ra tình trạng tổn thương tế bào cơ do một quá trình bệnh lý (Vd: trong NMCT hay do chấn thương) myoglobin sẽ được giải phóng vào dòng tuần hoàn. Tình trạng này thường bắt đầu xảy ra trong vòng 2 đến 6 giờ sau khi tổn thương mô cơ (như vậy là sớm hơn so với creatinin phosphokinase [CPK], đạt tới mức đỉnh vào 8 đến 12 giờ và trở lại nồng độ bình thường trong khoảng 1 ngày. Myoglobin được thận bài xuất qua nước tiểu (myoglobinuria) và được phát hiện trong nước tiểu trong vòng 1 tuần sau khi xảy ra tình trạng tổn thương mô cơ. Myoglobin là một chất độc đối với thận.
MỤC ĐÍCH VÀ CHỈ ĐỊNH XÉT NGHIỆM
Giúp cho chẩn đoán sớm (trước 3 giờ) tình tragj nhồi máu cơ tim (chỉ định này hiện ít được áp dụng do có nhiều nguyên nhân gây tình trạng dương tính giả).
CÁCH LẤY BỆNH PHẨM
Không nhất thiết cần yêu cầu BN nhịn ăn trước khi lấy máu XN.
XN cần được tiến hành trên huyết tương (lấy máu vào ống nghiệm tráng heparin).
Có hai phương pháp định lượng myoglobin được áp dụng:
- Ngưng kết trên phiến kính (agglutination sur lame): XN mang tính chất định tính với kết qua (+) hay (-). Đây là XN thường được sử dụng nhất do nó cho kết quả sau vài phút.
- Miễn dịch phóng xạ (radio – immunologic): Cho kết quả chậm hơn nên ít được sử dụng đối với BN cấp cứu. XN được coi là (+) khi giá trị > 100 µg/L.
GIÁ TRỊ BÌNH THƯỜNG
< 85 ng/mL hay 85 µg/L.
TĂNG MYOGLOBIN MÁU
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Tăng thân nhiệt ác tính.
– Loạn dưỡng cơ.
– Nhồi máu cơ tim.
– Tình trạng thiếu hụt các enzyme cơ.
– Tổn thương cơ.
– Viêm đa cơ (polymyosis).
– Viêm cơ tim.
– Suy thận.
– Tiêu cơ vân (rhabdomyolysis).
– Co giật.
– Bỏng nặng.
– Sốc.
– Sau khi tiến hành thủ thuật ngoại khoa.
– Đa chấn thương.
– Gắng sức quá mạnh.
– Một số bệnh lý nhiễm trùng.
– Thiếu máu cục bộ chi dưới cấp tính.
CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM THAY ĐỔI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM
– Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu và gần đây có dùng chất đồng vị phóng xạ để chụp xạ hình sẽ làm thay đổi kết quả XN.
– Tiêm bắp nhiều lần có thể gây tăng nồng độ myoglobin máu.
– Các thuốc có thể làm tăng nồng độ myoglobin máu là: statin, theophylline.
LỢI ÍCH CỦA XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG MYOGLOBIN MÁU
- Do có nhiều nguyên nhân gây kết quả dương tính giả, định lượng nồng độ myoglobin là một XN hữu ích giúp loại trừ chẩn đoán nhồi máu cơ tim sớm (trong vòng 3 – 4 giờ) sau khi bắt đầu xuất hiện đau ngực khi kết quả XN trong giới hạn bình thường.
- XN có thể hữu ích để chẩn đoán các tình trạng nhồi máu cơ tim tái phát khi làm XN nhắc lại hay theo serie do nồng độ myoglobin máu sẽ trở về giá trị bình thường trong vòng 24 giờ sau sự cố tim mạch ban đầu.
CÁC CẢNH BÁO LÂM SÀNG
Do myoglobin được tìm thấy ở cơ vân cũng như ở cơ tim, thường cần tiến hành làm đồng thời các XN khác như CK – MB hay troponin để xác định tăng nồng độ myoglobin máu có phải do tổ thương cơ tim gây nên hay không.
BÌNH LUẬN