You dont have javascript enabled! Please enable it! Viêm màng não - THƯ VIỆN MEDIPHARM
Trang chủNội khoa

Viêm màng não

Hội chứng hậu COVID-19
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn – Bộ Y tế
Hướng dẫn COVID-19 PICU: dành cho bối cảnh nguồn lực cao và hạn chế
Loại bỏ Cytokine trong sốc nhiễm trùng ở người: Chúng ta đang ở đâu và sẽ đi về đâu?
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng sán dây lợn

Ðại cương

Màng não là một tổ chức mô liên kết bao bọc não và tủy sống, được chia làm 3 màng đó là:

Màng cứng (dura mater) nằm ngoài cùng, là tổ chức xơ bền vững bám chặt hộp sọ trừ vùng thái dương đỉnh và cột sống, nơi đó tạo khoang ngoài màng cứng.

Màng nhện (arachnoidea) là tổ chức liên kết mềm, không mạch máu. Màng nhện có hai lá, giữa hai lá có những cầu nối trong khoang nhện. Giữa lá ngoài và màng cứng là khoang dưới màng cứng. Lá trong bám chặt vào màng mềm (pia mater).

Màng mềm mỏng, giàu mạch máu, bám chặt vào não bộ và tủy sống.

Khi nói viêm màng não có nghĩa là viêm 3 màng, nhưng chủ yếu là viêm màng nhện và màng mềm (lepto méningite). Viêm màng não là một khái niệm giải phẫu lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây nên, song bệnh cảnh lâm sàng nổi bật là hội chứng màng não. Ðể xác định chẩn đoán cũng như chẩn đoán nguyên nhân phải dựa vào xét nghiệm dịch não tủy (DNT) là chính.

Phân loại viêm màng não

Viêm màng não mủ

Não mô cầu (neisseria meningitidis).

Phế cầu (streptococcus pneumoniae).

Listeria monocytogenes.

Tụ cầu vàng (staphylococcus aureus).

Trực khuẩn gram âm (E.coli, haemophilus influenzae, pseudomonas, proteus…).

Viêm màng não nước trong

Loại này được chia thành 2 nhóm tùy thuộc có giảm đường hay không trong DNT.

Viêm màng não nước trong có giảm glucose trong DNT

Lao     (mycobacterium        tuberculosis).            Listeria monocytogenes.

Viêm màng não nước trong có glucose bình thường trong DNT

Tùy theo cách thức khởi bệnh được chia thành 3 loại sau đây:

Cấp tính: 

Siêu vi: enterovirus gồm poliovirus typ 1,2,3; Coxakie A typ 1, 2, 4, 11, 14, 16, 18, 22 và 28; Coxakie B typ 1, 6; Echovirus 1, 9, 11, 25, 30 và  31; siêu vi quai bị, herpes simplex, thủy đậu, arbovirus…

Xoắn khuẩn.

Mycoplasmes.

Bán cấp: 

Giang mai màng não (thứ phát).  Mạn tính:

Bệnh Lyme, Brucellose, HIV, Crytococcus, bệnh toàn thân (lupus, bệnh Behcet, sarcoidose), di căn màng não.

Thể theo nguyên nhân

Viêm màng não mủ

Viêm màng não mủ có đặc tính chung là DNT đục, tế bào tăng chủ yếu trung tính, protein tăng, glucose và muối giảm trong DNT.

Viêm màng não mủ do não mô cầu 

Nguyên nhân: Não mô cầu được phát hiện bởi A.Weichelbaum vào năm 1887, là song cầu Gr (-) có 4 typ A, B, C và D nhưng thường gặp là typ A, C. Ðộc nhất lại là typ B. Ðường lan truyền chính là từ mũi họng thông qua đường máu, nhưng cũng có thể qua đường bạch mạch. Khi vào màng não gây tổn thương chủ yếu quanh mạch ở các rãnh não ở vùng đáy não. Ở tủy thì ưu thế đoạn cổ và ngực. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ðôi khi thành dịch ở trường học, cư xá, đơn vị quân đội…, nam giới thường gặp hơn nữ giới. Ở vùng khí hậu ôn hòa thi thường xảy ra vào mùa lạnh (từ tháng 12 đến tháng 5 nhất là tháng 2, 3, 4), còn ở vùng nhiệt đới thường vào tháng 11, 12.

Lâm sàng: thời gian ủ bệnh khoảng 2-4 ngày. Bệnh khởi phát đột ngột với ớn lạnh, sốt cao có khi 39-400C, herpes ở môi, xung huyết kết mạc và có hồng ban là gợi ý não mô cầu. Thường đau đầu dữ dội, nôn, đau và căng cơ gáy – thắt lưng. Ở trẻ em có thể có co giật. Khám có gáy cứng,  Kernig(+) hay Brudzinski (+), vạch màng não (+), đồng tử có khi không đều, đôi khi rối loạn cơ tròn. Thường có rối loạn ý thức về lượng và chất. Hiếm khi có liệt tay chân hay các dây thần kinh sọ não. Ðôi khi có những biểu hiện ngoài dấu màng não như ban dạng sởi, tinh hồng nhiệt, hiếm hơn là đau khớp, phế quản phế viêm, viêm tai, viêm nội tâm mạc…Cũng có khi biểu hiện lâm sàng không điển hình như trội về tình trạng nhiễm độc nên còn được gọi là thể giả thương hàn, có khi chỉ co giật hay rối loạn tâm thần. Có khi có thể sấm sét  gây xuất huyết ngoài da, ở các phủ tạng, đau bụng dữ dội, tử vong nhanh chóng.

Dịch não tủy: màu đục, protein trên 200mg%, glucose giảm xuống khoảng 10-20mg% có khi còn vết. Muối cũng giảm dưới 110 mEq/l. Tế bào tăng thường là hàng trăm hay hàng ngàn chủ yếu là trung tính. Soi trực tiếp DNT phát hiện não mô cầu (+) không hằng định. Nên cấy tại giường. Công thức máu cho thấy bạch cầu tăng và chủ yếu là trung tính. Ðôi khi cấy máu (+).

Tiến triển thường là tốt khi được điều trị. Tử vong khoảng 10-15% là do thể sấm sét. Ðiều trị sớm thì rối loạn ý thức cải thiện ngay sau 24 giờ, nhiệt giảm trong 1 tuần, dịch não tủy trở lại bình thường sau 10-20 ngày. Sau 1-2 tháng bệnh nhân khỏe hoàn toàn. Có khi  tái phát, dày dính gây liệt hay rối loạn tâm thần về sau.

Điều trị: Não mô cầu còn nhạy cảm với bêtalactamines. Thuốc lựa chọn là amoxicilline với liều 200-300mg/kg/ngày chuyền tỉnh mạch hoặc Cefotaxime, ceftriaxone từ 150-200-250mg/kg/ngày. Thời gian điều trị thường 7 ngày. Không cần phải chọc dò DNT để kiểm tra. Lưu ý để loại trừ não mô cầu ở họng thì penicilline không có tác dụng. Trước khi ra viện bệnh nhân phải được dùng rifampicine 5-10mg/kg/ngày  trong 2 ngày liền.  Nếu không có thì dùng spiramycine viên đạn 250, 500, 750mg tương ứng cho trẻ sơ sinh, dưới 12 tuổi và trên 12 tuổi với liều 2-3 viên ngày trong 5 ngày liên tiếp.

Phòng bệnh:  

Vacin kháng não mô cầu A+C thường kết hợp với hóa trị liệu. Kháng thể xuất hiện vào ngày thứ 5 và thứ 8 ở 90% người được tiêm chủng, kéo dài 3 năm đối với lứa tuổi trên 18 tháng, còn dưới tuổi đó thì hiệu lực yếu hơn. Vacin không có chống chỉ định ngay cả khi có thai. Nên tiêm chủng cho tất cả các đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân.

Có thể dự phòng bằng cách dùng kháng sinh cho những đối tượng có tiếp xúc với bệnh nhân 10 ngày trước lúc nhập viện. Người lớn dùng rifampicine 600mg 2 lần /ngày, trẻ từ 1 tháng đến 12 năm 10mg/kg, dưới 1 tháng 5mg/kg 2 lần ngày trong 2 ngày liên tục. Nếu có chống chỉ định thuốc đó thì sử dụng spiramycine 3 triệu đơn vị 2 lần cho người lớn và 75.000đv/kg 2 lần đối với trẻ em trong 5 ngày liền. Tất cả mọi trường hợp viêm màng não do não mô cầu phải được thông báo.

Viêm màng não mủ do phế cầu

Nguyên nhân: phế cầu là loại cầu khuẩn Gr(+) gây viêm màng não thông thường từ nhiễm trùng kế cận ở tai mũi họng, chấn thương sọ não có tổn thương xương – màng não, suy giảm miễn dịch trong nghiện rượu, cắt lách người già, thiếu hụt IgG 2a, phẫu thuật sọ não. Khoảng 25% do nhiễm trùng huyết trong viêm phổi phế cầu. Gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ở người lớn chiếm 44%, còn ở trẻ em chỉ 15% trong viêm màng não không do siêu vi. Ngoài tổn thương màng não mà còn gây tổn thương não nên bệnh cảnh thường nặng nề.

Lâm sàng: khởi đầu đột ngột, đau đầu dữ dội, sốt cao, nôn, có khi kèm theo đau bụng cấp, đau khớp, động kinh và rối loạn ý thức trầm trọng. Mạch thường không đều, tím, thở kiểu Cheyne – Stokes. Thiếu sót vận động cũng thường thấy do nhồi máu não vì mạch máu bị viêm tắc.

Cận lâm sàng: Bạch cầu trong máu tăng chủ yếu trung tính. DNT mủ đặc, nhiều đa nhân thoái hóa, tăng nhiều protein, glucose  và muối giảm, soi tươi thường phát hiện song cầu hình ngọn nến.

Tiến triển: nếu có một trong những dấu hiệu sau thì tiên lượng nặng đó là protein DNT trên 5g/l, hôn mê, ở người già, trẻ dưới 6 tháng, xuất hiện sớm dấu khu trú và tâm thần, điều trị muộn, ổ nhiễm trùng tiên phát vẫn còn, vi khuẩn nhiều trong DNT. Tử vong còn cao 20-30%.

Ðiều trị: thuốc lựa chọn là ampicilline hay amoxicilline 200- 300mg/kg/ngày hoặc cefotaxime, ceftriaxone từ 150-200-250 mg/kg/ngày.

Thời gian điều trị 10 ngày. Không cần thiết chọc dò DNT kiểm tra.

Dự phòng: không có lây truyền người này qua người khác nên không dự phòng cho người tiếp xúc. Cần lưu ý dự phòng cho những đối tượng bị viêm tai mũi họng. Những người bị cắt lách thì nên dự phòng bằng penicilline.

Viêm màng não do listeria

Nguyên nhân: listeria là trực khuẩn gram dương, có trong môi trường xung quanh do đó thức ăn có thể bị nhiễm. Listeria vào màng não qua đường máu, gây tổn thương chủ yếu thân não, tạo những ápxe nhỏ sau đó vỡ vào màng não. Ðối tượng hay bị là người già, thai nghén, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch như trong khi điều trị corticoide, hóa trị liệu. Nhiễm HIV không phải là yếu tố nguy cơ thuận lợi cho loại nhiễm trùng này.

Lâm sàng: bệnh cảnh lâm sàng điển hình của viêm thân não với liệt một hoặc nhiều dây thần kinh sọ não và hội chứng màng não, diễn tiến từ từ.

Cận lâm sàng: Tăng tế bào đơn nhân trong máu, có khi lại tăng tế bào trung tính. Biến đổi tế bào trong DNT cũng khác nhau, có khi chủ yếu trung tính nhưng cũng có khi trung tính và lympho cân bằng nhau. DNT có tăng protein và glucose lại giảm. Cấy DNT có khi cho kết quả (+).

Tiến triển: rất khó hệ thống hóa, song quan trọng nhất là liệt các dây thần kinh sọ não, có thể để lại di chứng. Nếu có rối loạn ý thức thì tiên lượng dè dặt.

Ðiều trị: listeria còn nhạy cảm với penicilline nhóm A và cotrimoxasol. Thường dùng amoxicilline 200-300mg/kg/ngày kết hợp với aminoside (gentamycine 3-5mg/kg hoặc amikacine 15mg/kg/ngày). Thời gian điều trị 15 – 21 ngày. Có thể chọc dò DNT khi diễn biến không tốt hay không điển hình.

Phòng bệnh: chú ý khi sử dụng các thức ăn như phomat, chao, sữa bị đông vón và bị vữa.

Viêm màng não do tụ cầu vàng

Nguyên nhân: thường nằm trong bối cảnh nhiễm trùng huyết tụ cầu vàng do nặn nhọt hay từ viêm amygdal trên cơ địa đái tháo đường, chấn thương sọ não hở, phẫu thuật sọ não, van tim giả, dò DNT ở tai hay mũi ( otorrhée et rhinorrhée).

Lâm sàng: nằm trong bệnh cảnh nhiễm trùng huyết với hội chứng nhiễm trùng rầm rộ, sốt cao giao động, có thể thấy viêm cơ, viêm xương, viêm phổi kèm hội chứng màng não thường rầm rộ về cơ năng cũng như thực thể.

Cận lâm sàng: bạch cầu tăng chủ yếu trung tính, cấy máu có thể (+), chụp phổi đôi khi phát hiện ápxe nhỏ rải rác ở rìa phổi. DNT  đục, protein tăng, còn glucose và muối giảm, tế bào tăng trung tính, soi tươi có thể phát hiện tụ cầu vàng.

Tiến triển: bệnh cảnh thường nặng vì nằm trong bối cảnh nhiễm trùng huyết, tổn thương nhiều cơ quan hay do cơ địa xấu như đã nêu trên. Tử vong còn cao.

Ðiều trị: nếu cấy ra loại meti-S thì chọn oxacilline 150mg/kg/ngày chia 4 lần, nếu là meti-r thì sử dụng vancomycine 20-40- 60mg/kg/ngày chuyền tĩnh mạch 24 giờ kết hợp với gentamycin 3-5 mg/kg/ngày hoặc với rifampicin liều 20mg/kg/ngày chia 3 lần. Nếu không có thuốc trên có thể sử dụng cefotaxime 150-200mg/kg/ngày kết hợp với fosfomycine  200mg/kg/ngày chia 3 lần. Thời gian điều trị 3-4 tuần nếu chỉ có viêm màng não, còn có tiêu điểm khác thì phải điều trị 4-6 tuần. Phải chọc dò DNT để theo dõi.

Viêm màng não do trực khuẩn gram âm

Nguyên nhân: Thường gặp là enterobacter (dưới 2 tháng và trên 60 tuổi), H. influenzae thường gặp ở trẻ em chiếm 60% tất cả viêm màng não không do siêu vi, chủ yếu lứa tuổi trên 2 tháng đến 8 tuổi, còn ở người lớn chỉ 5%. Thường là nhiễm trùng thứ phát, chủ yếu ở tuổi nhủ nhi và người lớn có cơ địa xấu như nghiện rượu, đang điều trị corticoide, cắt lách, bị chấn thương hay phẫu thuật sọ não.

Lâm sàng: triệu chứng thường mơ hồ như sốt nhẹ, đau đầu ít thậm chí không có và dấu thực thể màng não cũng không rõ đối với viêm màng não tiên phát. Ðối với những ca bị chấn thương sọ não hay mổ sọ não mà có sốt thì phải chọc dò DNT để xét nghiệm.

Cận lâm sàng: công thức máu và DNT đều thấy bạch cầu tăng chủ yếu trung tính. Cấy dịch não tủy cho kết quả đáng tin cậy.

Tiến triển: đây là một trong những viêm màng não tiên lượng nặng, tử vong trên 50%. Thường kèm theo bệnh phổi do kém thông khí hay tình trạng choáng nhiễm trùng.

Ðiều trị: đối với E. coli thì chọn cefotaxime liều 100mg/kg/ngày hay ceftriaxone 75-100mg/kg/ngày tĩnh mạch. Nếu là ở trẻ em và nguyên nhân là H. influenzae thì ngoài hai loại kháng sinh trên nên kết hợp thêm dexamethasone 0,15mg/kg mỗi 6 giờ trong 2-4 ngày nhằm hạn chế di chứng. Ðối với nhiễm trùng thứ phát do Klebciella, Enterobacter, Serraria, Citrobacter, Pseudomonas… thì thường chọn cephalosporine thế hệ thứ 3 kết hợp với aminoside. Thời gian điều trị 3-6 tuần và luôn phải chọc dò DNT để kiểm tra.

Chú ý viêm màng não mủ cụt đầu thường do trước đó đã có điều trị nên làm lu mờ triệu chứng lâm sàng cũng như biến đổi dịch não tủy, đặc biệt thay đổi bạch cầu lympho nên dễ nhầm với những viêm màng não do siêu vi hay lao. Không chỉ thế mà soi, cấy DNT cũng không tìm thấy vi trùng vì thế nên hỏi kỹ bệnh sử và dựa trên cơ địa để hướng tới nguyên nhân.

Viêm màng não nước trong

Viêm màng não nước trong có hạ glucose dịch não tủy

Viêm màng não do Listeria: Listeria có thể gây viêm màng não nước trong. Triệu chứng lâm sàng như ở phần trên đã mô tả, chỉ có khác là ở đây tăng tế bào lympho trong DNT. Ðiều trị tương tự như  ở mục 3.1.3

Viêm màng não do lao

Nguyên nhân: nguyên nhân chủ yếu là trực khuẩn lao người chiếm  99%, còn trực khuẩn lao bò rất hiếm gặp ở nước ta. Lao màng não có thể xuất hiện ở mọi giai đoạn của bệnh lao, nhưng thường gặp nhất là giai đoạn lao sơ nhiễm ở trẻ em, hiếm hơn là lao thứ phát ở người lớn. Trực khuẩn lao đi vào  não trước sau đó mới ra màng não thông qua đường máu chiếm trên 90%, còn theo đường kế cận như từ cột sống lan vào rất hiếm gặp. Lao màng não thường gặp ở những cơ địa suy giảm sức đề kháng như đái tháo đường, nhiễm HIV… và gây tổn thương chủ yếu vùng đáy não, ở đó cũng thấy viêm các mạch máu. Hay dẫn tới dày dính.

Lâm sàng: bệnh cảnh lâm sàng của lao màng não rất khác với viêm màng não do những nguyên nhân khác, đó là khởi đầu từ từ với hội chứng nhiễm trùng thường không rầm rộ nhưng lại trội triệu chứng tâm thần. Triệu chứng này có khi xuất hiện trước cả triệu chứng màng não. Những biểu hiện toàn thân hay dấu khu trú cũng thường rõ nét hơn triệu chứng màng não.  Trong qúa trình diễn tiến của bệnh có thể chia thành 3 giai đoạn mang tính tương đối như sau:

Giai đoạn khởi đầu: vào giai đoạn này người bệnh có biểu hiện tình trạng nhiễm độc mạn do lao, có những biểu hiện lao sơ nhiễm hay lao thứ phát ở phổi; đồng thời có đau đầu tuy không hằng định kèm rối loạn giấc ngủ, tính tình đôi khi thay đổi, sốt nhẹ vừa và hay giao động. Giai đoạn này kéo dài một đến vài tuần. Dấu thực thể thường không có nên dễ bị bỏ qua. Chọc dò DNT lúc này cũng cho kết qủa âm tính. Nếu phát hiện được giai đoạn này thì điều trị có hiệu quả và không để lại di chứng.

Giai đoạn toàn phát: đau đầu kèm theo nôn tăng dần, sốt tăng hơn giai đoạn trước nhưng hiếm khi quá 390C, mạch thường chậm 50 – 60 lần / phút. Thực thể có dấu gáy cứng, Kernig (+), Brudzinski (+), thường thấy liệt các dây thần kinh sọ não nhất là các dây vận nhãn, sớm là liệt dây VI sau đó là dây III. Rối loạn vận mạch khá rõ với biểu hiện chấm đỏ chấm trắng ở da, vạch màng não (+), vã mồ hôi nhiều nhất là về chiều hay đêm. Bệnh nhân thường lơ mơ hay ngủ gà, thậm chí hôn mê. Ở người lớn thường biểu hiện rối loạn tâm thần, còn trẻ em lại co giật. Ðôi khi có liệt tay chân. Soi đáy mắt, 50% có mờ bờ gai thậm chí phù gai thị, đôi khi thấy củ lao trong võng mạc. Khoảng 40% lao màng não nằm trong bối cảnh lao kê, do vậy phải chụp phim phổi khi nghĩ tới lao. DNT màu vàng, hiếm khi có máu, áp lực tăng, protein tăng trên 50mg%, glucose và muối giảm. Tế bào tăng chủ yếu lympho >60%, từ 10 – 500. Soi tươi tìm trực khuẩn lao trong DNT luôn âm tính. Chỉ có cấy DNT trên môi trường Lowenstein trong 3 tuần có khi cho kết quả (+). Ngoài ra có thể thấy phản ứng IDR (+), chụp phổi có thể thấy lao sơ nhiễm, lao kê…, tốc độ lắng máu cao vừa phải (40-60mm giờ đầu). Ðiều trị giai đoạn này còn để lại di chứng nhưng không đáng kể.

Giai đoạn cuối: thường 15-20 ngày sau khi có hội chứng màng não, bệnh ngày càng nặng, xuất hiện các dấu hiệu vùng gian não và hành tủy như rối loạn điều hòa thân nhiệt (nhiệt độ giao động thất thường), rối loạn tim mạch, nhịp thở và ngay cả nuốt. Bệnh nhân thường rối loạn ý thức nặng nề. Ðiều trị giai đoạn này ít có hiệu quả, nếu sống sót cũng để lại di chứng trầm trọng như não úng thủy do vách hóa, liệt, rối loạn tâm thần hay động kinh.

Diễn tiến: tiến triển tùy thuộc chẩn đoán và can thiệp điều trị sớm hay không.

Ðiều trị: tùy theo có hôn mê hay không mà sử dụng những phác đồ khác nhau. Ðối với thể nhẹ không có hôn mê thì dùng công thức 3SHZ/ 6S2H2, nếu không hôn mê nhưng nặng thì dùng phác đồ 2SHRZ / 6HE, còn nếu có hôn mê thì 3SHRZ / 4S2H2R2 / 5H2E2, đối với trẻ em thì có công thức khác đó là 2HRZ / 4HR (số đứng trước các chủ cái là tháng còn số sau chử cái  là số  ngày dùng  mỗi tuần, nếu không có là dùng hàng ngày). Thời gian điều trị nội trú là khoảng 2-3 tháng sau đó tiếp tục điều trị ngoại trú cho đủ 9-12 tháng và tiếp tục theo dõi trong vòng hai năm.

Bảng 3.9.Thuốc kháng lao và liều lượng 

Tên thuốc Dạng

thuốc

Liều lượng hàng ngày mg/kg/ngày Liều lượng cách quảng mg/kg/ngày
Streptomycine (S) lọ 1g 15-20 15-20
INH (H) viên 50, 150 mg 5 15
Pyrasinamide (Z) viên  500mg 30 50
 Rifampicine (R) viên 150, 300mg 10 15
Ethambutol ( E ) viên 400mg 25 trong 2 tháng rồi 15 45

Theo dõi điều trị bằng lâm sàng và xét nghiệm DNT, chức năng gan tối thiểu hai lần, một lần sau đợt tấn công và một lần khác khi kết thúc đợt điều trị. Ðiều trị có kết quả tốt là sau đợt tấn công DNT trở lại bình thường, tốt hơn nữa là khi điện di protein DNT trở lại bình thường. Diễn tiến xấu là khi có hiện tượng phân ly đạm -tế bào trong DNT. Thể nặng nên sử dụng dexamethasone 0.6mg/kg/ngày tĩnh mạch chia 4 lần từ 4 đến 14 ngày hay ACTH 10-25 mg/ngày chuyền tĩnh mạch trong 2 tuần. Ngoài ra phải nâng cao thể trạng bằng chuyền đạm, tiêm vitamine… Khi có co giật thì nên điều trị (xem bài động kinh).

Phòng bệnh: tiêm chủng BCG, điều trị lao tiên phát chủ yếu là lao phổi.

Viêm màng não nước trong không có giảm glucoza  trong dịch não tủy 

Nguyên nhân: viêm màng não cấp chủ yếu là siêu vi, ít gặp hơn là xoắn khuẩn. Thường gặp ở người trưởng thành và trẻ em, hiếm gặp ở người già. Hay xảy ra ngoài mùa Ðông, điều này khác với viêm màng não do vi khuẩn. Có thể tạo thành dịch nếu là nhiểm nhóm siêu vi đường ruột  (enterovirus), sau tắm sông bị viêm màng não cần cảnh giác xoắn khuẩn, nếu có bọng nước gợi ý herpes zoster. Quan trọng là phải biết viêm màng não ở pha thâm nhập của chính HIV hay là do nhiễm trùng cơ hội. Các nguyên nhân gây viêm màng não bán cấp hay mạn, phần lớn là bệnh lý toàn thân.

Lâm sàng:   

Cấp tính: khởi bệnh đột ngột với sốt cao, đau đầu và nôn dữ dội, nhưng ý thức vẫn còn bình thường, không có dấu khu trú. Có dấu thực thể rõ, nhưng toàn trạng chung ít thấy suy sụp. Tùy theo nguyên nhân mà có những dấu hiệu riệng như do coxakie đau cơ ngực -bụng, mụn nước nổi trong họng, hàm ếch và miệng; do echovirus thì kèm đi chảy, hạch lớn, nổi ban ở da và cũng có đau cơ, do xoắn khuẩn thì đau cơ toàn thân, ban xuất huyết, hội chứng gan thận. Dịch não tủy tăng lympho, protein tăng ít khi quá 1,5g/l, glucose và muối bình thường. Chẩn đoán dựa vào nuôi cấy DNT và động lực kháng thể. Thường diễn tiến lành tính trừ poliovirus. Riêng xoắn khuẩn thì dùng penicilline G 4 triệu đơn vị ngày cũng cho kết quả tốt hay có thể amoxicilline 150-200mg/kg/ngày trong 7-10 ngày. Không cần chọc dò DNT để kiểm tra.  Dự phòng chỉ có tiêm chủng nếu được.

Bán cấp và mạn tính: triệu chứng cơ năng và dấu thực thể của hội chứng màng não không rõ ràng. Nó chìm trong bệnh cảnh của các bệnh lyme như đau khớp; giang mai thì hỏi kỹ để tìm săng loét, tổn thương dây II, VIII, dấu Argyl-Robertson, liệt vận nhãn; do brucellose có dạng sốt hình sin, gan- lách- hạch lớn. DNT tăng lympho, glucose và muối bình thường.

Chẩn đoán nhờ vào xét nghiệm huyết thanh hay DNT như BW, nuôi cấy tìm nấm…Ðiều trị tùy nguyên nhân như bệnh lyme thì dùng ceftriaxone, brucellose thì doxycycline và rifampicine, giang mai thì penicilline, còn nấm thì dùng amphotericine B 0,25-0,5mg/kg nếu dung nạp thì tăng lên 0,75-1mg/kg tĩnh mạch, 5-fluorocytosine (flucytosine)100-150mg/kg uống hay fluconazole, itraconazole, ketoconazole, miconazole.

Chẩn đoán phân biệt

Xuất huyết màng não

hội chứng màng não cấp nhưng không sốt, nếu có thì cũng muộn hơn, rối loạn ý thức ít hoặc nhiều nhưng ngay lập tức, DNT đỏ hay hồng đều cả 3 ống, tăng tỷ trọng khoang dưới nhện khi chụp não cắt lớp vi tính .

Ápxe não

Có hội chứng nhiễm trùng kèm tăng áp lực nội sọ và dấu khu trú. Ðôi khi khó là do ápxe vỡ vào khoang nhện. Xác định nhờ chụp não cắt lớp vi tính với hình ảnh giảm tỷ trọng bờ mỏng. Khi lưỡng lự giữa ápxe hay viêm màng não thì tốt nhất là chọc dò DNT.

Viêm não cấp

Có khi khó phân biệt vì những lí do sau:

Sốt kèm tình trạng kích thích hoặc rối loạn ý thức.

Vừa viêm não và màng não.

Tăng lympho cũng gặp trong viêm não.

Trong viêm màng não cũng có thể có triệu chứng tổn thương não như trong lao hay listeria. Chọc dò DNT là cần thiết, nếu cần thì chụp chụp não cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ não.

Tiên lượng

Tiên lượng tùy thuộc rất nhiều yếu tố như cơ địa (rối loạn miễn dịch và bệnh kèm), tuổi (trẻ em và người già có thể diễn biến xấu), loại vi trùng gây bệnh, có hôn mê không, chọn kháng sinh thích hợp không, điều trị có sớm không… Viêm màng não có thể để lại di chứng như điếc, viêm thị thần kinh, tăng áp lực nội sọ, động kinh, liệt, rối loạn tâm thần hay có thể biến chứng ápxe não.

BÌNH LUẬN

WORDPRESS: 0