Trang chủNội Cơ xương khớp

Viêm khớp vẩy nến

Bệnh viêm khớp vẩy nến là bệnh lý viêm khớp – cột sống và viêm khớp mạn tính xảy ra ở người bị bệnh vẩy nến da hoặc móng tay. Viêm khớp thường không đối xứng và một số thể viêm khớp đốt ngón xa. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng. Điều trị bao gồm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) và các thuốc sinh học.

Bệnh viêm khớp vẩy nến có ở khoảng 30% bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến. Tỷ lệ mắc tăng ở bệnh nhân AIDS. Nguy cơ tăng lên ở những bệnh nhân có kháng nguyên bạch cầu người B27 (HLA-B27) hoặc một số alen cụ thể khác và ở các thành viên trong gia đình. Căn nguyên và sinh lý bệnh viêm khớp vẩy nến không rõ.

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm khớp vảy nến

 

Bệnh vẩy nến da hoặc móng có thể xảy ra trước hoặc sau tổn thương khớp. Mức độ nghiêm trọng của tổn thương khớp và da thường không tương xứng. Tổn thương da có thể kín đáo ở da đầu, nếp lằn mông, rốn và bệnh nhân không nhận ra.

Bệnh vẩy nến (ngón tay-chân hình khúc dồi)

 

Hình 1. Bệnh vẩy nến (ngón tay-chân hình khúc dồi). © SPRINGER SCIENCE + BUSINESS MEDIA

 

Các khớp ngón xa (DIP) của ngón tay và ngón chân thường hay bị ảnh hưởng. Hay gặp tổn thương không đối xứng các khớp lớn và nhỏ, bao gồm cả khớp cùng chậu và cột sống. Các triệu chứng da và khớp có thể tự giảm hoặc nặng hơn. Viêm ngón tay, ngón chân, hoặc cả hai có thể dẫn tới biến dạng hình khúc dồi, không gặp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Không có hạt dạng thấp. Tình trạng viêm khớp có xu hướng hồi phục nhanh, hoàn toàn hơn so với viêm khớp dạng thấp, tuy nhiên có thể tiến triển thành viêm khớp mạn tính và tàn tật. Có thể có viêm khớp hủy hoại (phá hủy nhiều khớp bàn tay và các ngón tay ngắn lại).

Bệnh vẩy nến (Da đầu)

 

Hình 2. Bệnh vẩy nến (Da đầu). DR P. THƯ VIỆN ẢNH MARAZZI / KHOA HỌC

 

Viêm điểm bám gân (viêm điểm bám của gân vào xương, ví dụ, viêm gân Achilles, viêm gân bánh chè, viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay, mỏm gai đốt sống) có thể có và gây đau.

Bệnh vẩy nến (khuỷu tay)

 

Hình 3. Bệnh vẩy nến (khuỷu tay). THƯ VIỆN HÌNH ẢNH KHOA HỌC

 

Có thể có đau lưng. Thường đi kèm với các cầu xương không đối xứng ở cột sống.

Chẩn đoán bệnh viêm khớp vảy nến

  • Đánh giá lâm sàng

  • Yếu tố dạng thấp (RF)

 

Viêm khớp vẩy nến nên được nghi ngờ ở bệnh nhân bị vẩy nến và viêm khớp. Bởi vì bệnh vẩy nến có thể bị bỏ qua hoặc ẩn hoặc xuất hiện sau khi viêm khớp xảy ra, viêm khớp vẩy nến nên được nghĩ tới ở bất kỳ bệnh nhân nào viêm khớp huyết thanh âm tính; đặc biệt khi không đối xứng hoặc liên quan đến cột sống dưới; những bệnh nhân này nên được kiểm tra bệnh vẩy nến. khía móng và cần được hỏi về tiền sử gia đình vẩy nến. Bệnh nhân nghi ngờ viêm khớp vẩy nến nên được xét nghiệm RF. Đôi khi, kết quả RF có thể dương tính. Tuy nhiên, anti-CCP rất đặc hiệu đối với viêm khớp dạng thấp và không có trong viêm khớp vẩy nến.

 

Viêm khớp vẩy nến được chẩn đoán dựa trên lâm sàng và bằng cách loại trừ những bệnh có triệu chứng tương tự. Bất thường X-quang phổ biến trong viêm khớp vẩy nến bao gồm tổn thương khớp ngón xa, hủy xương ở đầu xa của ngón, viêm khớp hủy hoại, tổn thương xương lan rộng, phản ứng xương, ngón hình khúc dồi, trật khớp lớn và nhỏ.

Điều trị viêm khớp vảy nến

  • Viêm khớp điều trị bằng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD – đặc biệt là methotrexate) và các thuốc sinh học (thuốc kháng yếu tố hoại tử u (TNF)-alpha, ustekinumab, secukinumab, ixekizumab, tofacitinib, abatacept, và apremilast)

 

Điều trị viêm khớp vẩy nến nhằm kiểm soát tổn thương da và giảm viêm khớp. Điều trị bằng thuốc cũng tương tự như đối với viêm khớp dạng thấp, đặc biệt là DMARD methotrexate. Hydroxychloroquine không có lợi ích rõ ràng và có thể gây viêm da bong hoặc làm nặng thêm bệnh vẩy nến. Các thuốc sau có thể có tác dụng Chống viêm không steroid, cyclosporine, kháng TNF-alpha, ixekizumab, tofacitinib, abatacept, và apremilast (xem Các thuốc sinh học). Các thuốc kháng TNF-alpha có hiệu quả đặc biệt. (xem thêm tại đồng thuận quốc tế năm 2017 cập nhật các khuyến cáo điều trị viêm cột sống trục và thoái hóa đốt sống ngoại biên, đặc biệt là viêm khớp vảy nến.)

 

Ustekinumab là chất đối kháng interleukin (IL)-12 và IL-23. Liều 45 mg tiêm dưới da ở tuần 0 và 4 (liều nạp), tiếp theo là 45 mg mỗi 12 tuần sau đó. Liều 90 mg tiêm dưới da nếu bệnh nhân có trọng lượng > 100 kg. Tác dụng không mong muốn tương tự như tác dụng không mong muốn của các thuốc sinh học khác.

 

Secukinumab là một chất ức chế IL-17. Secukinumab có thể được cho ở liều 150 mg tiêm dưới da vào tuần 0, 1, 2, 3 và 4 và sau mỗi 4 tuần. Không có liều nạp hàng tuần, secukinumab được cho ở liều 150 mg tiêm dưới da mỗi 4 tuần. Nếu bệnh nhân tiếp tục bị viêm khớp vẩy nến hoạt động, cần cân nhắc liều 300 mg. Có thể dùng secukinumab đơn độc hoặc phối hợp với methotrexate. Tác dụng phụ bao gồm mày đay, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, nhiễm nấm do Candida, tiêu chảy, herpes zoster, và bệnh viêm ruột.

 

Secukinumab là một chất ức chế IL-17A. Nó được chỉ định cho người lớn với bệnh vẩy nến thể mảng từ trung bình đến nặng là những ứng cử viên cho liệu pháp hệ thống hoặc liệu pháp ánh sáng cũng như cho người lớn bị viêm khớp vẩy nến hoạt động. Nó có thể được dùng đơn độc hoặc kết hợp với DMARD thông thường (ví dụ, methotrexate). Liều dùng là 160 mg tiêm dưới da (hai mũi tiêm 80 mg) vào tuần thứ 0, tiếp theo là 80 mg tiêm dưới da mỗi 4 tuần. Ixekizumab làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên và nhiễm nấm và cũng có liên quan đến các triệu chứng xấu đi của bệnh viêm ruột.

 

Tofacitinib là một chất ức chế Janus kinase (JAK) đường uống. Nó có sẵn cho người lớn bị viêm khớp vẩy nến hoạt động, những người có phản ứng không thích hợp với hoặc không dung nạp với methotrexate hoặc các DMARD khác. Liều dùng là 5 mg uống 2 lần mỗi ngày. Liều phóng thích kéo dài là 11 mg uống một lần/ngày. Các tác dụng phụ tiềm tàng bao gồm nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là khởi phát virus thủy đậu, tăng creatinin, giảm bạch cầu và tăng lipid.

 

Abatacept là dung dịch hòa tan kết hợp kháng nguyên liên kết tế bào lympho T gây độc 4 (CTLA-4) Ig. Nó có sẵn cho người lớn bị viêm khớp vẩy nến hoạt động và có thể được sử dụng có hoặc không có DMARD không sinh học (ví dụ, methotrexate, sulfasalazine, hydroxychloroquine, leflunomide). Có thể dùng dường tĩnh mạch hoặc đường tiêm dưới da. Với truyền tĩnh mạch, liều điều chỉnh theo cân nặng như sau: 500 mg cho các bệnh nhân nặng < 60 kg, 750 mg cho bệnh nhân nặng từ 60 đến 100 kg và 1 g cho bệnh nhân nặng > 100 kg. Sau liều ban đầu, abatacept nên được dùng vào tuần thứ 2 và thứ 4 và mỗi 4 tuần sau đó. Liều tiêm dưới da là 125 mg một lần/tuần. Tác dụng phụ bao gồm độc tính trên phổi, dễ bị nhiễm trùng, đau đầu, nhiễm trùng đường hô hấp trên, đau họng và buồn nôn.

 

Apremilast là chất ức chế phosphodiesterase-4. Liều khởi đầu là 10 mg uống một lần/ngày, được điều chỉnh để liều duy trì 30 mg ngày 2 lần nếu dung nạp được. Tác dụng không mong muốn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nhức đầu, trầm cảm, và giảm cân.

TÓM TẮT Ý CHÍNH

  • Bệnh viêm khớp vẩy nến là bệnh lý cột sống mạn tính xảy ra ở bệnh nhân vẩy nến; tuy nhiên, bệnh vẩy nến có thể nhẹ hoặc bị bỏ sót hoặc có thể chưa xuất hiện.

  • Viêm khớp thường không đối xứng, tổn thương các khớp lớn và nhỏ (kể cả cột sống) và thường ảnh hưởng đến khớp ngón xa ở bàn tay và bàn chân hơn những khớp khác.

  • Chẩn đoán dựa trên kết quả lâm sàng.

  • Điều trị bằng thuốc chống suy khớp điều chỉnh bệnh (DMARD) và các chất sinh học.

Đọc thêm

  • An international task force’s cập nhật các khuyến cáo điều trị viêm cột sống trục và thoái hóa đốt sống ngoại biên, đặc biệt là viêm khớp vảy nến (Cập nhật năm 2016)

    Theo Apostolos Kontzias, MD, Stony Brook University School of Medicine

BÌNH LUẬN

WORDPRESS: 0