Trang chủChất lượng Bệnh viện

Tiêu chuẩn và chứng nhận chất lượng bệnh viện

Đánh giá và chứng nhận chất lượng là một phương thức đánh giá chất lượng từ bên ngoài. Có 3 hình thức đánh giá chất lượng từ bên ngoài như sau:

Đánh giá và chứng nhận chất lượng (accreditation): Là hình thức chứng nhận bởi một tổ chức chứng nhận cấp quốc gia về đạt được tiêu chuẩn chất lượng của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do một cơ quan bên ngoài độc lập đánh giá mức độ thực hiện liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng.

Cấp chứng chỉ: Công nhận chính thức về sự phù hợp với bộ tiêu chuẩn (ví dụ ISO 9000 cho hệ thống chất lượng) cấp bởi tổ chức đánh giá bên ngoài có thẩm quyền.

Cấp phép: Là quá trình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép cơ sở hoạt động sau khi đã có đánh giá đạt các quy chuẩn kỹ thuật tối thiểu hoặc cấp cho thầy thuốc thực hành hoặc tổ chức y tế đủ điều kiện hoạt động và hành nghề. Đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện (hospital accreditation): Là một hoạt động giám sát bên ngoài không do các chuyên gia y tế trong bệnh viện hay cơ quan chức năng tiến hành; mục đích là bảo đảm bệnh viện cung cấp cho người bệnh các dịch vụ y tế chất lượng và an toàn.

Đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện trong thời gian vừa qua có sự phát triển nhanh chóng với sự ra đời của các bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện và các cơ quan đánh giá độc lập.

MỤC TIÊU VÀ Ý NGHĨA CỦA ĐÁNH GIÁ VÀ CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN:

Đánh giá chất lượng và an toàn trong chăm sóc người bệnh;

Đánh giá năng lực của bệnh viện trong bảo đảm và cải tiến không ngừng chất lượng chăm sóc người bệnh;

Đưa ra các khuyến nghị;

Kết hợp giữa các chuyên gia đánh giá của tổ chức thẩm định và chuyên gia của bệnh viện trong tất cả các giai đoạn của quy trình thẩm định;

Cung cấp kiến thức về chất lượng bệnh viện;

Nâng cao niềm tin của công chúng, người bệnh và cơ quan quản lý đối với bệnh viện;

CÁC THÀNH TỐ CỦA HỆ THỐNG ĐÁNH GIÁ VÀ CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN:

Khung pháp lý cho hoạt động đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện.

Nhìn chung, trên thế giới hiện nay các nước áp dụng chiến lược quốc gia về chất lượng dựa trên sự pha trộn giữa bắt buộc và tự nguyện về quản lý chất lượng.

Các văn bản quy phạm pháp luật có những điều khoản quy định liên quan đến hoạt động thẩm định chất lượng bệnh viện, như:

Xây dựng hoặc thừa nhận bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện

Thành lập hoặc cho phép Tổ chức đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện hoạt động

Cơ quan quản lý chất lượng cấp quốc gia

Các văn bản được ban hành dưới dạng Luật, Nghị định hay Thông tư hướng dẫn. Ví dụ về một số quốc gia đã đưa vấn đề chất lượng cơ sở y tế vào trong luật:

Úc: Năm 1993 đưa Luật Bệnh viện và phòng khám xác định rõ quyền người bệnh, vấn đề đánh giá chất lượng từ bên ngoài, hệ thống chất lượng nội bộ và uỷ ban bảo đảm chất lượng.

Pháp: Năm 1984: Luật yêu cầu uỷ ban y khoa của bệnh viện phải có báo cáo đánh giá chất lượng hàng năm.

Năm 1991: Luật yêu cầu bệnh viện phải có hệ thống chất lượng nội bộ

Năm 1996: Pháp lệnh yêu cầu cải tiến chất lượng bắt buộc, đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện và khảo sát người bệnh ở tất cả các bệnh viện công lập và ngoài công lập.

Bỉ năm 1987, Ý năm 1986, Hà Lan năm 1981 yêu cầu phải có Uỷ ban chất lượng bệnh viện.

Mỹ: Năm 1986 quy định cơ quan tài trợ liên bang, quy định bắt buộc vấn đề bảo đảm chất lượng và hiệu quả chăm sóc bởi Medicare và Medicaid.

Thuỵ Điển: Năm 1997 Luật Sức khoẻ và Dịch vụ khám, chữa bệnh yêu cầu tất cả nhân viên phải cải tiến chất lượng có hệ thống, tự đánh giá, thực hành dựa trên bằng chứng, quản lý rủi ro, đánh giá kết quả và cải thiện chất lượng liên tục.

Philippine: Năm 1995, yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT phải tham gia chương trình bảo đảm chất lượng.

Một số quốc gia, Chính phủ ban hành chính sách riêng về chất lượng khám chữa bệnh, hoặc đưa vào chiến lược y tế hay kế hoạch chất lượng quốc gia.

Tại Việt Nam, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (2009), Điều 55 và Điều 56 quy định về tiêu chuẩn quản lý chất lượng và tổ chức chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định cụ thể về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quản lý chất lượng và tổ chức chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện:

Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện được xây dựng dựa trên sự đồng thuận của Bộ Y tế, hiệp hội y khoa, hiệp hội bệnh viện tuỳ theo bối cảnh và cấu trúc hệ thống y tế của từng nước. Bộ Tiêu chuẩn được xây dựng thường có nhiều lớp, được kết cấu gồm các nhóm tiêu chuẩn (hoặc chức năng), mỗi nhóm tiêu chuẩn gồm một hoặc nhiều tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn có một hoặc nhiều tiêu chí.

Hiệp hội Quốc tế về Chất lượng Chăm sóc sức khoẻ (The International Society for Quality in Health Care-ISQua) đã đưa ra nguyên tắc cơ bản và khung yêu cầu cho việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cơ sở khám, chữa bệnh.

Phiên bản 3.0 năm 2007 đưa ra 6 nguyên tắc xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng gồm:

Cải tiến chất lượng

Tập trung vào người bệnh và người sử dụng dịch vụ

Lập kế hoạch và thực hiện của tổ chức

An toàn

Xây dựng tiêu chuẩn

Đo lường tiêu chuẩn

Để có thể thực hiện đánh giá và chứng nhận chất lượng, ngoài tiêu chuẩn chất lượng còn có hướng dẫn đánh giá các tiêu chuẩn, quy trình đánh giá và chứng nhận bao gồm các bước như: đăng ký, tự đánh giá nội bộ (của bệnh viện), đánh giá sơ bộ (của tổ chức đánh giá), phản hồi (của tổ chức đánh giá đối với bệnh viện), đệ trình Hội đồng chất lượng, công nhận.

Chu kỳ đánh giá và chứng nhận thường từ 3 đến 5 năm tuỳ thuộc vào từng quốc gia và tổ chức đánh giá và chứng nhận. Những quốc gia có số bệnh viện nhiều (như Nhật Bản, Pháp) chu kỳ đánh giá và chứng nhận thường là 5 năm. Một số nước khác có số bệnh viện ít thì chu kỳ thẩm định 3 hoặc 4 năm (Đài Loan, Malaysia, Úc).

Ví dụ: Tại Úc, việc đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện do Hội đồng của Úc về Chuẩn Chăm sóc Sức khoẻ (Australian Council on Healthcare Standards-ACHS) thực hiện dựa trên Chương trình Lượng giá và Cải tiến chất lượng (EQuIP) và Bộ Tiêu chuẩn EQuIP4.

Bộ Tiêu chuẩn EQuIP4 bao gồm 3 nhóm tiêu chuẩn (hay 3 chức năng) gồm:

Chức năng lâm sàng: gồm 6 tiêu chuẩn (21 tiêu chí)

Tiêu chuẩn 1.1. Chăm sóc liên tục

Tiêu chuẩn 1.2. Tiếp cận

Tiêu chuẩn 1.3. Sự phù hợp

Tiêu chuẩn 1.4. Hiệu quả

Tiêu chuẩn 1.5. An toàn

Tiêu chuẩn 1.6. Khách hàng là trung tâm

Chức năng hỗ trợ: gồm 5 tiêu chuẩn (14 tiêu chí)

Tiêu chuẩn 2.1. Cải tiến chất lượng và quản lý rủi ro

Tiêu chuẩn 2.2. Quản lý nhân lực

Tiêu chuẩn 2.3. Quản lý thông tin

Tiêu chuẩn 2.4. Sức khoẻ cộng đồng

Tiêu chuẩn 2.5. Nghiên cứu

Chức năng phối hợp: gồm 2 tiêu chuẩn (5 tiêu chí)

Tiêu chuẩn 3.1. Lãnh đạo và Quản lý

Tiêu chuẩn 3.2. Thực hành an toàn và Môi trường Chu kỳ thẩm định là 4 năm và diễn ra theo sơ đồ sau:

Một số tổ chức chứng nhận chất lượng có cách tiếp cận khác, ví dụ JCI.

Tiến trình để đánh giá và chứng nhận chất lượng của JCI chia làm 4 cấp độ:

Thiết yếu: xác nhận những gì đã đạt được/tự đánh giá và thực hiện cải tiến

Chứng chỉ: đối với các chương trình cải tiến chất lượng.

Chứng nhận: cấp chứng nhận phù hợp cho toàn bộ tổ chức.

Các tổ chức được đánh giá cao.

Bộ tiêu chuẩn thiết yếu được phát triển từ các tài liệu y khoa quốc tế và kinh nghiệm bao quát, mỗi khu vực nguy cơ có 10 chuẩn mực đưa ra các chiến lược giảm thiểu nguy cơ một cách rõ ràng và khả thi. “Mức độ nỗ lực” ghi nhận sự tiến bộ đối với từng chuẩn mực. 5 nhóm nguy cơ của Bộ tiêu chuẩn thiết yếu gồm:

Cách thức lãnh đạo và trách nhiệm giải trình

Lực lượng lao động có năng lực và thành thạo

An toàn môi trường cho nhân viên và người bệnh

Chăm sóc lâm sàng cho người bệnh

Cải thiện chất lượng và an toàn

Tổ chức đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện

Tổ chức đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện thường là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động mang tính chất quốc tế hoặc trong phạm vi quốc gia.

Tổ chức đánh giá và chứng nhận chất lượng được thành lập thường do sự phối hợp và thoả thuận giữa Bộ Y tế, hiệp hội y khoa, hiệp hội bệnh viện hoặc là một tổ chức độc lập hoạt động trong lĩnh vực đánh giá và chứng nhận chất lượng cơ sở y tế.

Tính đến tháng 11/2011, có 19 tổ chức đánh giá và chứng nhận chất lượng được ISQua công nhận dựa trên các tiêu chuẩn về tổ chức đánh giá chất lượng từ bên ngoài do ISQua đưa ra (International accreditation standards for healthcare external evaluation organisations).

Các tổ chức đánh giá và chứng nhận chất lượng do ISQua công nhận tính đến 11/2011:

Hiệp hội Ngân hàng máu Hoa Kỳ, Chương trình Thẩm định và Chất lượng (American Association of Blood Banks, Accreditation and Quality Programme – AABB)

Tổ chức Thẩm định Canada (Accreditation Canada)

Hội đồng Tiêu chuẩn Chăm sóc sức khoẻ Úc (The Australian Council on Healthcare Standard – ACHS)

Tổ chức Thẩm định Thực hành Đa khoa Úc/ Chất lượng Thực hành

(Australian General Practice Accreditation Limited / Quality in Practice – QIP/AGPAL )

Đơn vị Thẩm định Chất lượng Chăm sóc Sức khoẻ, Anh (Healthcare Accreditation Quality Unit, UK – CHKS-HAQU)

Hội đồng Thẩm định Dịch vụ Y tế Nam Phi (Council for Health Service Accreditation of Southern Africa – COHSASA)

Hệ thống Thẩm định Y tế của Viện Tiêu chuẩn Kỹ thuật và Chứng nhận

Colombia (Health Accreditation System of Instituto Colombiano de Normas Técnicas y Certificación, Co – ICONTEC)

Ban Thẩm định Dịch vụ Y tế Hồi giáo (The Irish Health Service Accreditation Board – IHSAB)

Uỷ ban Hỗn hợp Quốc tế (Joint Commission International, USA – JCI)

Hội Chất lượng Y tế Malaysia (Malaysian Society for Quality in Health – MSQH)

Viện Thẩm định Chăm sóc sức khoẻ Hà Lan (Netherlands Institute for Accreditation in Healthcare – NIAZ)

Hội đồng Cải tiến Chất lượng và Chương trình Thẩm định Chất lượng

Úc (Quality Improvement Council and the QIC Accreditation Program, Australia – QIC)

Uỷ ban Hỗn hợp Thẩm định Chăm sóc sức khoẻ Đài Loan (Taiwan Joint Commission on Healthcare Accreditation – TJCHA)

Thẩm định Y tế và Khuyết tật Niu Dilân (Health and Disability Auditing New Zealand – HDANZ)

Chương trình Chứng nhận Y tế của Cty Global Mark –Úc (GlobalMark Pty Ltd, Healthcare Certification Programme)

Cơ quan Tiêu chuẩn và Thẩm định Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi

Úc (Aged Care Standards and Accreditation Agency, Australia – ACSAA)

Hội đồng Thẩm định Chăm sóc sức khoẻ Giooc-da-ni (Health Care Accreditation Council of Jordan – HCAC)

ISQua cũng thẩm định các bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện do các tổ chức tiêu chuẩn và thẩm định xây dựng. Đến nay đã có 35 bộ tiêu chuẩn của 21 tổ chức đã được ISQua thẩm định. Ngoài ra, ISQua còn thẩm định cho 8 chương trình đào tạo đánh giá viên.

TIẾN TRÌNH ÁP DỤNG ĐÁNH GIÁ VÀ CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN TRÊN THẾ GIỚI

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thực hiện đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện và các tổ chức chăm sóc sức khoẻ sớm nhất trên thế giới. Những thập niên 90’ có sự phát triển nhanh chóng với sự ra đời các tổ chức tiêu chuẩn và thẩm định chất lượng bệnh viện tại các nước châu Âu, Úc, Mỹ và một số quốc gia Châu Á, Phi. Trong số các nước Đông Nam Á, Inđônêxia, Malaysia, Thái Lan, Philippine là những nước sớm đưa chương trình đánh giá và chứng nhận chất lượng vào thực hiện đánh giá chất lượng bệnh viện theo các bộ tiêu chuẩn do tổ chức đánh giá và chứng nhận chất lượng xây dựng, trong đó, các bộ tiêu chuẩn và tổ chức thẩm định chất lượng của Malaysia đã được ISQua thẩm định. Úc và Anh là những quốc gia có 3-5 tổ chức thẩm định chất lượng y tế.

Tiến trình thẩm định chất lượng các tổ chức chăm sóc sức khoẻ trên thế giới (Elma 2003).

Năm đầu tiên thẩm định Quốc gia/vùng lãnh thổ và tổ chức thầm định
1951 Hoa Kỳ (JCAHO)
1958 Canada
1974 Australia (ACHS)
1979 Hoa Kỳ (AAAHC)
1986 Đài Loan
1987 Australia (QIC)
1989 New Zealand
1990 Anh (HAP)
1991 Anh (HQS), Hoa Kỳ (NCQA)
1994 Nam Phi
1995 Phần Lan, Hàn Quốc, Indonesia
1996 Argentina, Tây Ban Nha
1997 Cộng hoà Séc, Nhật Bản
1998 Brazil, Ba Lan, Australia (AGPAL), Thuỵ Sĩ
1999 Pháp, Malaysia, Hà Lan, Thái Lan, Zămbia
2000 Bồ Đào Nha, Anh (CSBS)*, Philippines
2001 Đức, Italy, Ireland

CHI PHÍ CHO ĐÁNH GIÁ VÀ CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG

Chi phí cho đánh giá và chứng nhận chất lượng chủ yếu gồm những nội dung sau:

Phí đi lại cho đánh giáo viên

Phí trả công cho đánh giá viên

Một số chi phí khác (trước đánh giá, sau đánh giá v.v…)

Mức phí có thể rất khác nhau giữa các quốc gia. Để tiện so sánh, trong một cuộc khảo sát của ISQua và WHO năm 2000, mức phí thẩm định chất lượng cho một bệnh viện 100 giường bệnh nội trú có thể từ vài trăm USD (Italia) đến 28.000 USD (Anh).

KẾT LUẬN:

Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định về tổ chức chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là một định hướng quan trọng về việc áp dụng mô hình quản lý chất lượng hiện nay.

Mô hình đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện đang được áp dụng phổ biến trên thế giới với những kinh nghiệm thực tiễn đã có của các nước đang phát triển có thể là bài học cho Việt Nam khi triển khai./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Australian Council on Healthcare Standards. EQuIP 4 guide. Part 2: Standards. 2006.

Australian Council on Healthcare Standards. EQuIP 4 guide. Part 4:Implementing the Evaluation and Quality Improvement Program. 2006.

ISQua and WHO. Quality and accreditation in health care services.A global review.2003.

ISQua. International principles for healthcare standards. 2007.

ISQua. International accreditation standards for healthcare external evaluation organisations. Third edition, 2007.

Nguyễn Quốc Tuấn, Trương Hồng Trình, Lê Thị Minh Hằng. Quản trị chất lượng toàn diện. Nhà Xuất bản Tài chính, 2007.

Quốc hội. Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009.

Chính phủ. Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2011 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

BÌNH LUẬN

WORDPRESS: 0