CHỈ ĐỊNH
Các phụ nữ trong tuổi sinh đẻ muốn chọn biện pháp tránh thai có hiệu quả trong nhiều năm.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Chống chỉ định tuyệt đối
Có thai.
Đang bị ung thư vú.
Chống chỉ định tương đối
Đang bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi.
Đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid (hoặc không làm xét nghiệm).
Ra máu âm đạo bất thường chưa được chẩn đoán nguyên nhân.
Đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại.
Xơ gan mất bù có suy giảm chức năng gan trầm trọng, hoặc u gan (ngoại trừ trường hợp tăng sinh lành tính dạng nốt – benign focal nodular hyperplasia).
Không tiếp tục sử dụng nếu khách hàng:
Đã từng hoặc đang bị tai biến mạch máu não hoặc thiếu máu cơ tim.
Đau nửa đầu có kèm mờ mắt.
THỜI ĐIỂM CẤY THUỐC TRÁNH THAI
Khách hàng chưa sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT).
Ngay khi đang có kinh hoặc trong 7 ngày đầu (hoặc trong vòng 5 ngày đầu đối với Etonogestrel implant) của vòng kinh.
Ở bất cứ thời điểm nào nếu biết chắc là không có thai. Nếu đã quá 7 ngày (hoặc nếu quá 5 ngày đối với Etonogestrel implant) từ khi bắt đầu hành kinh cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.
Vô kinh: bất kỳ thời điểm nào nếu có thể khẳng định không có thai, cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.
Sau sinh và cho con bú hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn
Trong vòng 6 tuần sau sinh và đang cho con bú: chỉ sử dụng thuốc cấy một khi không còn BPTT nào khác.
Từ 6 tuần đến 6 tháng, vô kinh: bất kỳ lúc nào.
Nếu có kinh lại sau 6 tuần: như trường hợp hành kinh bình thường.
Sau sinh cho bú không hoàn toàn
Trong vòng 6 tuần sau sinh: chỉ sử dụng một khi không còn BPTT nào khác.
Sau 6 tuần
Nếu chưa có kinh lại: bất kỳ lúc nào nếu chắc chắn là không có thai, khách hàng cần sử dụng một biện pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.
Nếu đã có kinh lại: như trường hợp hành kinh bình thường.
Sau sinh, không cho con bú
Dưới 21 ngày: bất kỳ lúc nào.
Từ 21 ngày trở đi và chưa có kinh: bất kỳ thời điểm nào nếu có thể khẳng định không có thai, cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.
Nếu đã có kinh lại bình thường: như trường hợp hành kinh bình thường.
Ngay sau phá thai hoặc sẩy thai
Trong vòng 7 ngày sau phá thai, sẩy thai: có thể cấy thuốc ngay lập tức.
Sau 7 ngày: bất kỳ thời điểm nào nếu có thể khẳng định không có thai, cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.
Sau sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp: sử dụng thuốc cấy trong vòng 7 ngày đầu của kỳ kinh kế tiếp (vào trong vòng 5 ngày đối với Etonogestrel implant) hoặc trong bất kỳ thời điểm nào nếu chắc chắn là không có thai. Cung cấp các BPTT hỗ trợ hoặc thuốc tránh thai trong thời gian chờ cấy thuốc.
Ngay sau khi lấy thuốc cấy nếu muốn cấy tiếp.
Khách hàng đang sử dụng BPTT nội tiết
Sẽ được cấy ngay lập tức nếu đang sử dụng liên tục và đúng cách hoặc nếu biết chắc là không có thai, vào thời điểm lặp lại mũi tiêm.
Khách hàng đang sử dụng BPTT không nội tiết (không phải DCTC) sẽ được cấy thuốc
Sẽ được cấy ngay lập tức nếu đang sử dụng liên tục và đúng cách hoặc nếu biết chắc là không có thai. Nếu đã quá 7 ngày từ khi bắt đầu hành kinh cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.
Khách hàng đang sử dụng DCTC (kể cả DCTC giải phóng levonorgestrel) sẽ được cấy thuốc
Trong vòng 7 ngày đầu tiên của vòng kinh, có thể lấy DCTC ở thời điểm này.
Bất kỳ lúc nào nếu biết chắc là không có thai:
Nếu đã quá 7 ngày từ khi bắt đầu hành kinh và đã có giao hợp: cần lấy DCTC vào chu kỳ sau.
Nếu đã quá 7 ngày từ khi bắt đầu hành kinh và không giao hợp: cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp. Nếu DCTC chính là biện pháp hỗ trợ, cần lấy DCTC vào chu kỳ sau.
Nếu vô kinh hoặc ra máu không theo chu kỳ: xem hướng dẫn dành cho phụ nữ vô kinh.
QUI TRÌNH KỸ THUẬT
Tư vấn
Lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu của khách hàng về thuốc cấy tránh thai.
Hiệu quả, ưu, nhược điểm (có thể khó lấy ra). Biện pháp không có tác dụng phòng tránh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (NKLTQĐTD) và HIV/AIDS.
Cho khách hàng biết các tác dụng phụ có thể gặp, đặc biệt là ra máu bất thường.
Khách hàng có thể đến khám lại bất cứ lúc nào khi có vấn đề hoặc muốn tháo que cấy tránh thai.
Không phải là BPTT vĩnh viễn, Levonorgestrel implant có tác dụng trong 5 – 7 năm, Etonogestrel implant có tác dụng trong 3 năm.
Thăm khám
Hỏi kỹ tiền sử để phát hiện chống chỉ định (dùng bảng kiểm).
Khám sức khỏe toàn thân (cân, đo huyết áp, khám vú, khám gan, khám vàng da không?).
Khám phụ khoa: phát hiện khối u sinh dục, để loại trừ có thai, ra máu không rõ nguyên nhân. Trong hoàn cảnh xét nghiệm nước tiểu để thử thai không sẵn có, có thể đánh giá là ”không có thai” dựa vào những dấu hiệu lâm sàng
Xét nghiệm: chức năng gan, bilan Lipid, Pap’s mear, siêu âm phụ khoa.
Kỹ thuật cấy Etonogestrel implant
Sát khuẩn da vùng định cấy (mặt trong cánh tay không thuận).
Trải săng vải có lỗ vùng định cấy.
Gây tê vùng định cấy bằng Lidocain 1% dọc đường cấy.
Lấy ống cấy vô khuẩn ra khỏi bao bì (tuân thủ nguyên tắc không chạm trong thủ thuật).
Kiểm tra bằng mắt thường xem que cấy có trong kim không.
Đặt que cấy bằng cách đâm kim ngay dưới da và vừa đẩy vừa dùng đầu kim nâng mặt da lên.
Giữ nguyên pít tông tại chỗ và kéo ống cấy về phía ngược lại, que thuốc cấy sẽ nằm lại trong cánh tay.
Kiểm tra xác định xem que thuốc đã được cấy nằm dưới da.
Băng ép bằng gạc vô khuẩn. Tháo băng sau 24 giờ.
Ghi phiếu theo dõi cấy que: ngày cấy, vị trí cấy thuốc, ghi họ tên người cấy.
Theo dõi sau cấy que
Hẹn khách hàng quay trở lại trong vòng tuần lễ đầu xem có nhiễm khuẩn không.
Sau đó, khách hàng có thể đến khám lại bất cứ lúc nào khi có vấn đề hoặc muốn tháo que cấy tránh thai.
Kỹ thuật tháo
Sát khuẩn.
Trải săng vải.
Gây tê tại chỗ đầu dưới que cấy.
Rạch da khoảng 2 mm ngay đầu que nơi đã gây tê.
Dùng tay nắn cho đầu que lộ ra chỗ rạch.
Dùng 1 kẹp nhỏ kẹp đầu que cấy, kéo nhẹ ra.
Sau khi tháo que xong, sát khuẩn, băng lại. Tháo băng sau 24 giờ.
BÌNH LUẬN