You dont have javascript enabled! Please enable it! Tắc Đường Hô Hấp Trên - THƯ VIỆN MEDIPHARM
Trang chủTai Mũi Họng

Tắc Đường Hô Hấp Trên

Đau Bụng Cấp
Chẩn Đoán Và Xử Trí Suy Hô Hấp Cấp
Cấp Cứu Đau Ngực Cấp – Phác Đồ BV Bạch Mai
Cấp Cứu Hạ Đường Huyết – Phác Đồ BV Bạch Mai
Cấp Cứu Đợt Cấp COPD

I. ĐẠI CƯƠNG

Tắc đường hô hấp trên cấp nếu được phát hiện và xử trí chậm có thể gây hậu quả nghiêm trọng, đôi khi đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

Tắc đường hô hấp trên cấp là tình trạng tắc nghẽn trên đường hô hấp trên bao gồm khí quản, thanh quản hoặc vùng họng.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Chẩn đoán xác định

Dựa chủ yếu vào triệu chứng lâm sàng theo mức độ tắc nghẽn từ nhẹ đến nặng.

– Khó thở.

– Tiếng rít thanh khí quản (stridor): tiếng rít thở vào đơn độc thường biểu hiện của tắc nghẽn trên hoặc tại sụn nắp trong khi tiếng rít thở ra đặc trưng cho tắc nghẽn dưới sụn lắp. Tiếng rít thanh khí quản thì thở vào nhiều khi bị nhầm với tiếng rít thở ra của phế quản.

– Thở nhanh nông hoặc thở chậm. Trường hợp nặng có thể thấy biểu hiện ngạt thở, thở ngáp.

– Vã mồ hôi.

– Co kéo các cơ hô hấp phụ.

– Tình trạng vật vã kích thích, hoảng loạn. Trường hợp nặng rối loạn ý thức, lú lẫn, mất ý thức.

-Tím môi đầu chi (dấu hiệu muộn).

Khám thực thể có thể nghe thấy tiếng rít thanh khí quản (tắc bán phần) kèm theo nghe phổi thấy rì rào phế nang giảm cả hai bên.

2. Chẩn đoán mức độ tắc nghẽn

– Tắc nghẽn bán phần: bệnh nhân khỏ thở, thở có tiếng rít, vật vã kích thích, vã mồ hôi, thay đổi giọng nói, ho ông ổng, khó nuốt…

– Tắc nghẽn hoàn toàn: bệnh nhân nhanh chóng mất ý thức trong vài giây đến vài phút.

Lưu ý: tắc nghẽn bán phần có thể tiến triển nhanh chóng thành tắc nghẽn hoàn toàn.

3. Chẩn đoán nguyên nhân

• Nguyên nhân nội sinh:

– Do sập các tổ chức phần mềm vùng họng miệng (giảm trương lực cơ, gẫy xương hàm).

– Phù thanh quản/co thắt thanh quản.

– Viêm sụn nắp thanh quản cấp, viêm thanh quản cấp, bạch hầu thanh quản.

– Liệt dây thanh âm hai bên.

– Dị ứng gây phù niêm mạc họng và khí quản, thường do phản ứng dị ứng khi bị ong đốt, kháng sinh hoặc các thuốc hạ huyết áp (ức chế men chuyển).

– Chấn thương thanh quản, khối u thanh quản.

• Nguyên nhân ngoại sinh:

– Phù mạch kiểu Ludwig/Ổ mủ vùng hầu họng.

– Khối máu tụ (do rối loạn đông máu, chấn thương, phẫu thuật).

– U tuyến giáp.

– U hạch.

– U hoặc dị vật thực quản.

• Di vật -Thức ăn:

– Đồ chơi với trẻ em hoặc bất kì đồ vật gì với các bệnh nhân sa sút trí tuệ hoặc bệnh nhân tâm thần.

• Các thăm dò giúp chẩn đoán nguyên nhân:

– Soi thanh quản.

– Soi khí phế quản.

– Chụp Xquang phổi.

III. XỬ TRÍ CẤP CỨU

Phụ thuộc vào mức độ tắc nghẽn:

– Trường hợp tắc nghẽn bán phần (không khí còn ra vào phổi được):

+ Giải thích để bệnh nhân yên tâm.

+ Nghiệm pháp Heimlich nếu có dị vật đường thở.

+ Thở oxy có làm ẩm tốt.

+ Theo dõi dấu hiệu sinh tồn.

+ Chuẩn bị sẵn sàng bộ đặt nội khí quản và dụng cụ hút đờm dãi.

+ Khí dung adrenalin pha loãng 1:1000. Liều dùng 1ml cho người lớn và 0,5ml cho trẻ em.

+ Kháng sinh: khi có dấu hiệu nhiễm trùng.

– Nếu tắc nghẽn hoàn toàn và bệnh nhân có dấu hiệu thiếu oxy (tím tái, thở ngáp cá, rối loạn ý thức) tiến hành kiểm soát đường thở:

+ Khai thông đường thở: tư thế ngửa đầu nâng cằm.

+ Kiểm tra và lấy bỏ các dị vật bằng đèn soi thanh quản và kẹp Magill.

+ Hút sạch đờm, máu mủ trong miệng.

+ Đặt nội khí quản cấp cứu:

• Đặt nội khí quản qua đường miệng có dùng đèn

• Nếu khó khăn: đặt nội khí quản ngược dòng nhờ một dây dẫn đi qua màng nhẫn giáp.

• Mở khí quản cấp cứu qua màng nhẫn giáp nếu không đặt được nội khí quản.

IV. PHÒNG BỆNH

– Tránh các yếu tố gây tắc nghẽn đường hô hấp trên trên các đối tượng nguy cơ như trẻ em, người sa sút trí tuệ, bệnh nhân tâm thần.

– Phát hiện sớm và điều trị kịp các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường hô hấp trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Stone CK., Humphries RL: “Compromised Airway”. Current diagnosis & treatment of emergency medicine. 6th edition 2008. Me Graw Hill Lange, 2008: 143-159.

2. Rosen’ Emergency medicine: “Concepts and Clinical Practice”, 6th edition, Mosby 2006.

3. Laura LL. “Emergent evaluation of acute upper airway obstruction in children”. UpToDate online 18.2.