You dont have javascript enabled! Please enable it! Sỏi đường tiết niệu - THƯ VIỆN MEDIPHARM
Trang chủNgoại Tiết niệu

Sỏi đường tiết niệu

Phác đồ chẩn đoán và điều trị Sỏi bàng quang
Chấn thương bàng quang kín
U tuyến thận
Lao tiết niệu- sinh dục
Các phương pháp điều trị Sỏi niệu quản

ĐẠI CƯƠNG SỎI TIẾT NIỆU.

Sỏi đường tiết niệu là một bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi và đặc biệt từ 18 tuổi trở lên. Sỏi tiết niệu chiếm 30 – 40% tổng số bệnh nhân bị bệnh tiết niệu. Sỏi tiết niệu thường gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng bệnh nhân.

Nguyên nhân bệnh sinh:

Hàng ngàn năm nay người ta đã cố gắng tìm căn nguyên gây nên bệnh sỏi tiết niệu, nhưng cho đến nay vẫn tồn tại nhiều học thuyết về sự phát sinh và phát triển của bệnh, chưa có học thuyết nào giải thích hoàn toàn đầy đủ sự phát triển bệnh. Nhiều học thuyết đề cập đến các yếu tố chính liên quan đến quá trình hình thành sỏi.

Ngày nay, dựa vào hiểu biết về bản chất hoá học của sỏi tiết niệu, về cấu trúc vi thể và sinh lý của hệ thống tiết niệu, người ta chia sỏi tiết niệu thành 2 nhóm nguyên nhân: sỏi cơ thể và sỏi cơ quan.

Sỏi cơ thể dùng để chỉ những sỏi tiết niệu có nguồn gốc các bệnh lý, các rối loạn chức năng các cơ quan khác, các bệnh lý toàn thân. Có thể kể đến các bệnh như cường năng tuyến cận giáp trạng, bệnh Goutte, những chấn thương nặng của xương, chứng tăng canxi máu do nhiều nguyên nhân…

Sỏi cơ quan dùng để chỉ sỏi tiết niệu có nguồn gốc từ các tổn thương ở hệ thống tiết niệu như: phình to bể thận bẩm sinh, chít hẹp khúc nối bể thận – niệu quản, dị dạng thận và mạch máu thận, túi thừa niệu quản, túi thừa bàng quang hay niệu đạo… Những tổn thương vi thể tại thận có mối liên quan tới sự hình thành sỏi, là sự lắng đọng muối vôi vào những vết trợt loét ở lớp biểu mô. Cơ chế hình thành sỏi tiết niệu còn phức tạp, chưa được xác định rõ ràng. Tuy vậy, nhiều tác giả đã xây dựng một số thuyết để mô tả cơ chế hình thành sỏi tiết niệu như sau:

Thuyết “keo – tinh thể” cho rằng nhiều chất muối vô cơ và hữu cơ tồn tại trong nước tiểu dưới dạng tinh thể, các tinh thể này được bao bọc bởi một lớp chất keo (bản chất là các albumin, mucoprotein, axit nucleotid do tế bào biểu mô ống sinh niệu tiết ra) làm cho các chất tinh thể không kết dính được với nhau để tạo nên sỏi. Khi cân bằng này bị phá vỡ (tăng mật độ tinh thể, giảm mật độ chất keo) các tinh thể này có cơ hội kết dính với nhau tạo thành sỏi.

Thuyết “hạt nhân” khẳng định mỗi viên sỏi tiết niệu đều được hình thành từ một “hạt nhân” ban đầu. Đó là các dị vật xuất hiện trong hệ tiết niệu (những đoạn chỉ không tiêu, những mảnh cao su, mảnh ống dẫn lưu, mảnh kim khí…). Đôi khi người ta còn xác định được hạt nhân của sỏi còn là những tế bào thoái hoá, tế bào mủ, xác vi khuẩn, tổ chức hoại tử, khối máu hoá giáng… Những hạt nhân này để các muối canxi, phốt pho, magiê bám vào, bồi đầy dần để tạo thành những viên sỏi.

Thuyết nhiễm khuẩn xác định tương quan nhân quả giữa nhiễm khuẩn niệu và sỏi. Nhiễm khuẩn niệu tạo ra nhiều tiểu thể để trở thành hạt nhân hình thành sỏi. Mặt khác một số chủng loại vi khuẩn (Proteus, Pseudomonas…) có thể phân hủy ure bởi men ureaza tạo ra các gốc amoni, magie… tạo điều kiện hình thành sỏi.

Có thể nói mỗi thuyết chỉ giải thích được một khía cạnh, một giai đoạn của quá trình rất phức tạp, tinh vi của cơ chế hình thành sỏi tiết niệu. Vấn đề này sẽ còn được nghiên cứu, khám phá bổ sung sau này.

Tuy nhiên nhiều tác giả nhận thấy có các yếu tố thuận lợi ảnh hưởng đến quá trình hình thành sỏi tiết niệu như sau:

Yếu tố di truyền: Maxquardt (1973), Ging liani (1985) thấy bệnh nhiễm acid ống thận là bệnh di truyền thường gặp với sỏi tiết niệu.

Sỏi cystin thường thấy ở bệnh nhân có kiểu gen đồng hợp tử gây đái ra cystin, onithine, lysin, arginin.

Sỏi uric hay có ở những người bị bệnh Goutte.

Sỏi canxi có tính gia đình, có những gia đình bị bệnh tăng canxi nguyên phát và họ bị sỏi canxi từ rất trẻ.

Yếu tố dị dạng đường niệu bẩm sinh: là nguyên nhân thuận lợi để tạo sỏi do ứ đọng nước tiểu, do nhiễm khuẩn. Các dị dạng thường gặp như: hẹp khúc nối bể thận – niệu quản, hẹp niệu quản, phình niệu quản.

Yếu tố địa lý khí hậu: có một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành sỏi như khí hậu nóng và khô ở các vùng sa mạc và nhiệt đới là yếu tố môi trường tác động nhiều đến quá trình hình thành sỏi.

Yếu tố ăn uống: thực tế cho thấy ở những người ăn thịt nhiều thì gặp tỷ lệ sỏi urat cao, người có chế độ ăn uống thiếu vitamin A dễ làm sừng hoá tổ chức liên bào đài – bể thận và chính quá trình này sẽ gây ra sỏi tiết niệu. Ăn sữa nhiều thì gặp sỏi phốt phát.

Gãy xương lớn: do bất động lâu ngày là nhân tố chính trong cơ chế hình thành sỏi và thêm vào đó là sự tăng nồng độ canxi và photpho trong máu.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: do nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc do ứ đọng trên đường tiết niệu cũng là yếu tố thuận lợi cho hình thành sỏi. Quá trình viêm nhiễm đường tiết niệu làm thay đổi pH nước tiểu, làm thay đổi lớp tế bào biểu mô lát của đường niệu dẫn đến rối loạn bài tiết tại thận, số lượng các mucoprotein trong nước tiểu tăng lên rõ rệt. Các sản phẩm của quá trình viêm tế bào thoái hoá, tế bào mủ, xác vi khuẩn tạo thành các nhân sỏi.

Sự rối loạn chuyển hoá của cơ thể trong những bệnh nhân cường năng tuyến cận giáp, canxi trong máu tăng và thải nhiều qua đường niệu dễ tạo lên sỏi.

Tính chất và đặc điểm của sỏi:

Số lượng: 

Không hạn định có thể từ một viên đến hàng trăm viên. Ở khoa Tiết niệu – Bệnh viện 103, bệnh nhân nhiều sỏi nhất được ghi nhận là: 1988 viên sỏi.

Kích thước và trọng lượng sỏi: 

Tùy theo vị trí của đường tiêt niệu. Trọng lượng sỏi từ vài gam đến vài           trăm gam.

Hình dạng sỏi: 

Rất đa dạng có một số hình dạng đặc biệt như hình sỏi san hô, hình mỏ vẹt, hình bầu dục và hình tròn.

Vị trí của sỏi: 

Có thể gặp sỏi đài – bể thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi tiền liệt tuyến và sỏi niệu đạo. Trong đó sỏi thận là sỏi nguyên phát còn sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo thường là thứ phát do rơi từ trên xuống. Trừ những trường hợp đặc biệt do dị vật, do túi thừa dẫn đến hình thành sỏi tại chỗ niệu quản và bàng quang.

Thành phần hoá học của sỏi:

Có rất nhiều loại sỏi, mỗi loại sỏi có đặc điểm khác nhau về màu sắc và độ rắn. Có 2 nhóm sỏi chính: sỏi vô cơ và sỏi hữu cơ.

Sỏi vô cơ: 

Sỏi oxalat canxi: hay gặp màu đen, gai góc cản quang rõ.

Sỏi photphat canxi: có màu vàng nhạt hoặc trắng bẩn, độ rắn kém hơn sỏi oxalat canxi, dễ vỡ.

Sỏi cacbonat canxi: có màu trắng như  màu phấn, mềm dễ vỡ.

Sỏi hữu cơ: 

Sỏi urat: màu trắng gạch cua, có thể không cản quang mềm và hay tái phát.

Sỏi cholesterin: có màu vàng, dễ vụn nát và thường gặp sỏi tiền liệt tuyến.

Sỏi xystin: nhẵn, màu vàng nhạt, mềm hay tái phát, thường gặp ở cả hai thận do rối loạn chuyển hoá axit amin.

Sỏi struvic (amonium magnéium-phosphat hexa hydrat): màu vàng trắng, rắn, thường do nhiễm khuẩn đường niệu loại proteus sinh ra.

Ở người Việt Nam gặp chủ yếu là sỏi vô cơ trong đó sỏi oxalat canxi chiếm  hơn 80%, thường sỏi tồn tại dưới dạng hỗn hợp đan xen giữa các thành phẫn hoá học.

SỎI THẬN VÀ SỎI NIỆU QUẢN (SỎI ĐƯỜNG TIẾT NIỆU TRÊN).

Tổn thương giải phẫu bệnh lý:

Sỏi gây tổn thương trên hệ tiết niệu theo 3 cơ chế cơ bản: chèn ép tắc nghẽn, cọ sát, và nhiễm khuẩn.

Cơ chế  tắc nghẽn: sỏi gây ứ tắc (bể thận, niệu quản). Tùy theo kích thước và hình thể sỏi có thể gây nên ứ tắc hoàn toàn hay không hoàn toàn, làm  cho nhu mô thận giãn mỏng dần, dung tích đài – bể thận tăng lên,  nhu mô thận bị teo đét, xơ hoá và thận dần bị mất chức năng. Nếu sỏi ở đài thận, gây nghẽn cục bộ tại thận, sẽ dẫn đến ứ niệu, giãn từng nhóm đài gây mất chức năng từng phần của thận. Niệu quản phía trên sỏi cũng bị giãn mất nhu động và xơ hoá niệu quản. Trong trường hợp sỏi  ở hai bên hệ tiết niệu, bệnh nhân có thể bị suy thận  do sỏi.

Cơ chế cọ xát: sỏi thận, sỏi niệu quản nhất là sỏi cứng, gai góc có thể gây cọ xát, cứa rạch vào tổ chức đài – bể thận, niệu quản gây chảy máu trong hệ tiết niệu. Thương tổn tổ chức một mặt tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn niệu phát triển, mặt khác sẽ làm cho quá trình phát triển xơ hoá ở nhu mô thận và ở thành ống dẫn niệu. Kết quả là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng thận cũng như làm hẹp dần đường dẫn niệu, càng làm nặng thêm tình trạng bế tắc.

Cơ chế nhiễm khuẩn: sự tắc nghẽn và các tổn thương tổ chức trên hệ tiết niệu là những yếu tố thuận lợi để phát triển nhiễm khuẩn niệu, nhiễm khuẩn niệu gây phù nề, trợt loét niêm mạc đài – bể thận, dần dần dẫn đến xơ hoá, hoại tử tổ chức thận và thành ống dẫn niệu. Sản phẩm của quá trình viêm như xác vi khuẩn, xác bạch cầu, tế bào biểu mô đài – bể thận kết tinh lại tạo thành nhân sỏi.

Những cơ chế tác động kể trên của sỏi, thường đan xen, phối hợp với nhau theo các mức độ tùy thuộc vào kích thước, hình dạng, số lượng, vị trí của sỏi.

Sỏi thận – niệu quản thường gây ra các biến chứng:  

Sỏi gây cản trở lưu thông của đường bài xuất nước tiểu gây ứ trệ đường niệu phía trên dẫn đến giãn đài – bể thận (hydro – nephrose) hoặc ứ nước thận – niệu quản (uretero – hydro – nephrose), sự ứ nước tăng dần làm căng giãn và chèn ép nhu mô thận dẫn đến tình trạng suy giảm dần chức năng thận, dần dần mất hoàn toàn chức năng thận nếu không được xử trí kịp thời.

Sỏi gây nhiễm khuẩn: như viêm bể thận, viêm khe thận. Tình trạng nhiễm khuẩn kết hợp với ứ niệu gây thận ứ mủ hoặc hư mủ thận. Nặng hơn có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết.

Sỏi gây tình trạng viêm khe thận mãn tính kéo dài dẫn đến tình trạng xơ teo thận, huyết áp cao.

Sỏi gây suy thận: thường gặp trong trường hợp sỏi cả hai bên hệ tiết niệu hoặc sỏi trên thận đơn độc, đây là biến chứng nặng nề. Có thể  gặp suy thận cấp hoặc suy thận mãn và các mức độ suy thận nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của sỏi.

Sỏi gây ra viêm loét và xơ hoá tại vị trí sỏi là nguyên nhân gây chít hẹp đường niệu sau khi đã phẫu thuật lấy sỏi.

Sỏi niệu quản gây tổn thương thận nhanh chóng hơn sỏi thận.

Triệu chứng:

Triệu chứng lâm sàng:

Triệu chứng cơ năng: 

Đau: chia làm 2 mức độ:

Đau cấp tính: điển hình là cơn đau quặn thận, cơn đau xuất hiện đột ngột sau lao động và vận động, vị trí đau xuất phát ở vùng thắt lưng, tính chất đau là đau dữ dội từng cơn, đau lan xuống vùng bẹn sinh dục không có tư thế giảm đau. Khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn cơ trơn thì đỡ đau.

Đau mạn tính: bệnh nhân luôn có cảm giác nặng nề, đau tức khó chịu vùng thắt lưng (một bên hoặc hai bên), tính chất đau tăng khi vận động. Loại đau này thường gặp ở bệnh nhân có sỏi thận mà sỏi gây bít tắc không hoàn toàn.

Đái ra máu toàn bãi: sau lao động vận động, xuất hiện đau và đái ra máu toàn bãi, quan sát nước tiểu có thể thấy có màu nước vối hoặc như màu nước rửa thịt. Trên xét nghiệm nước tiểu thấy có HC, BC trong nước tiểu.

Đái ra mủ: bệnh nhân đái đục toàn bãi, thường xuất hiện ở những bệnh nhân thận ứ mủ, kèm theo đái đục thường gặp sốt cao rét run, có thể gặp tình trạng đái đục kiểu phong cầm: khi bệnh nhân sốt cao, đau dữ dội thì đái trong nhưng khi đái đục thì đau và sốt giảm.

Đái ra sỏi và sạn: đây là triệu chứng ít gặp, nhưng có giá trị gợi ý khả năng hiện tại bệnh nhân có sỏi tiết niệu.

Một số triệu chứng kèm theo: 

Sốt: gặp khi bệnh nhân có biến chứng nhiễm khuẩn, thường là sốt cao rét run.

Nhức đầu, nôn và buồn nôn. – Huyết áp tăng cao.

Triệu chứng thực thể: 

Thăm khám bệnh nhân có thể tìm thấy các dấu hiệu sau:

Dấu hiệu rung thận (+).

Dấu hiệu chạm thận (+), bập bềnh thận (+) khi thận giãn to.

Ấn các điểm niệu quản trên và giữa tương ứng trên thành bụng đau.

Triệu chứng cận lâm sàng:

Xét nghiệm máu và nước tiểu:

XN công thức máu: đánh giá tình trạng thiếu máu có thể gặp do đái máu kéo dài, hoặc do suy thận. BC máu tăng cao gặp khi viêm  bể thận cấp.

XN sinh hoá: định lượng urê, creatinin đánh giá tình trạng suy thận.

XN nước tiểu: tìm HC, BC, cấy khuẩn niệu: vi khuẩn (+) khi có nhiễm khuẩn niệu.

X.quang: 

Chụp thận không chuẩn bị: cho thấy được bóng thận hai bên, thấy hình cản quang tương ứng vị trí của hệ tiết niệu. Chẩn đoán chắc chắn sỏi thận khi có các hình cản quang đặc biệt như hình san hô, hình mỏ vẹt.

Chụp thận thuốc tĩnh mạch UIV (Urographie Intra Veinneuse): cho thấy được vị trí của sỏi kể cả sỏi không cản quang, chức năng của thận, hình dạng hệ tiết niệu và các hình dị dạng đường tiết niệu.

Chụp bể thận – niệu quản ngược dòng (Uretero Pyelo Retrographie): được tiến hành khi UIV chưa xác định rõ vị trí của sỏi. Có thể bơm thuốc cản quang hoặc bơm khí. Xác định  vị trí có sỏi căn cứ vào hình thuốc hoặc khí dừng lại ở chỗ có sỏi.

Hình 2.1: Hình ảnh sỏi tiết niệu hai bên trên film thận thường.

Siêu âm: 

Siêu âm xác định được kích thước của thận, độ giãn của đài – bể thận, độ dày mỏng nhu mô thận, tỷ lệ giữa vùng vỏ và tủy của thận. Siêu âm thận có thể phát hiện các hình sỏi cản âm  trên thận, niệu quản mà đôi khi không phát hiện được trên X.quang. Tuy nhiên siêu âm chẩn đoán sỏi còn có nhiều hạn chế, đôi khi chẩn đoán không chính xác vì lẫn với nhiều hình ảnh cản âm khác không phải sỏi.

Chẩn đoán:

Chẩn đoán xác định: 

Dựa trên triệu chứng lâm sàng: đau sau vận động, đái máu toàn bãi.

Cận lâm sàng: X.quang thận thường, UIV, hoặc chụp UPR thấy vị trí sỏi, đặc điểm sỏi.

Đánh giá mức độ chức năng thận.

Chẩn đoán các biến chứng của sỏi gây ra.

Chẩn đoán đặc điểm hình thái sỏi.

Chẩn đoán phân biệt: 

Chẩn đoán phân biệt khi có cơn đau quặn thận: với các cấp cứu ngoại khoa hay gặp:

Viêm ruột thừa cấp.

Đau quặn gan.

Dính tắc ruột.

Thủng dạ dày.

U nang buồng trứng xoắn.

Chửa ngoài dạ con doạ vỡ.

Chẩn đoán phân biệt sỏi thận khi có thận to với các u trong và sau phúc mạc:

Gan to, lách to.

U đại tràng, u mạc treo, u nang buồng trứng, u nang tụy.

U  quái sau phúc mạc, lymphosarcom.

U thượng thận, u thận.

Chẩn đoán phân biệt trên X.quang: với sỏi túi mật, hạch vôi hoá, vôi hoá ở mạc treo, vôi hoá buồng trứng.

Điều trị:

Căn cứ để lựa chọn phương pháp điều trị:

Dựa vào vị trí, hình dáng, kích thước của sỏi.

Tình trạng chức năng của thận, hình dáng đài – bể thận – niệu quản trên thận thuốc tĩnh mạch.

Tình trạng toàn thân của bệnh nhân.

Điều trị nội khoa:

Điều trị nội khoa tống sỏi tích cực: 

Chỉ định:  

Trong trường hợp sỏi nhỏ kích thước < 7 mm, thon nhỏ.

Chức năng thận còn tốt (trên UIV), lưu thông niệu quản tốt.

Toàn thân bệnh nhân không quá yếu, không có bệnh mãn tính.

Phương pháp điều trị: giãn cơ trơn, vận động, lợi tiểu, uống nhiều nước hoặc truyền dịch nếu cần.

Điều trị nội khoa triệu chứng: 

Chỉ định: bệnh nhân có sỏi kích thước to, sỏi gây ảnh hưởng chức năng thận nhưng tình trạng bệnh nhân quá yếu mắc những bệnh mãn tính như lao phổi, suy tim, K giai đoạn cuối, điều kiện trang thiết bị, phẫu thuật viên không cho phép phẫu thuật.

Phương pháp điều trị: kháng sinh chống nhiễm khuẩn, giãn cơ trơn, giảm đau.

Các phương pháp điều trị sỏi thận – niệu quản ít sang chấn:

Lấy sỏi thận qua da (PNL: Percutaneous nephrolithotomy):

Dùng kim chọc dò qua thành bụng, qua nhu mô thận vào thận dưới hướng dẫn của X.quang trên màn hình tăng sáng. Nong rộng đưa máy soi tiếp cận sỏi, dùng nguồn sóng điện – thủy lực hoặc nguồn tán sỏi bằng hơi, tán vỡ sỏi ra nhiều mảnh  nhỏ và bơm rửa đẩy sỏi ra ngoài.

Đây là phương pháp hiện đại đòi hỏi có dụng cụ phương tiện đầy đủ, phẫu thuật viên có kinh nghiệm thuần thục. Thường áp dụng với những loại sỏi thận, niệu quản 1/3 trên.

Tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL: Extracorporeal Shock Wave Lithotripsy): 

Các máy tán sỏi ngoài cơ thể có bộ phận phát sóng xung (bằng điện thủy lực, hoặc điện từ trường…). Hệ thống định vị sỏi sử dụng bằng X.quang hoặc bằng siêu âm. Sóng xung đi qua vào cơ thể hội tụ tại điểm  sỏi được định vị, sóng tạo nên sức căng trên bề mặt làm vỡ vụn sỏi. Phương pháp này thường áp dụng với trường hợp:

Sỏi  thận, niệu quản 1/3 trên có kích thước nhỏ < 2cm .

Sỏi kích thước > 3cm thì tán ít có  hiệu quả, phải tán nhiều lần.

Sỏi chưa gây nhiễm khuẩn hệ tiết niệu.

Chức năng thận còn tốt, lưu thông bể thận – niệu quản bình thường, không có bệnh lý ở thận như u thận, lao thận, bệnh lý mạch  máu thận.

Phá sỏi qua nội soi niệu quản:

Soi bàng quang đưa ống soi niệu quản cứng hoặc ống soi niệu quản mềm, quan sát sỏi và tán sỏi bằng máy tán sử dụng điện thủy lực, siêu âm hoặc laser. Các mảnh sỏi vỡ nhỏ và được lấy ra bằng dụng cụ. Phương pháp này thường được áp dụng trong các trường hợp:

Sỏi niệu quản dưới, sỏi kích thước đường kính  <1cm.

Không có nhiễm khuẩn niệu, thận không giãn to ứ niệu, ứ mủ, niệu quản dưới không bị chít hẹp hoặc dị dạng.

Mổ nội soi trong hoặc sau phúc mạc lấy sỏi.

Điều trị sỏi bằng phẫu thuật: 

Chỉ định:

Với những loại sỏi kích thước to > 0,7 cm, sỏi gây biến chứng nặng nề cho thận như thận giãn to ứ niệu, ứ mủ, thận xơ teo.

Những sỏi không có chỉ định điều trị bằng các phương pháp ít sang chấn hay đã điều trị bằng các phương pháp ít sang chấn nhưng thất bại, hoặc ở cơ sở không có điều kiện kỹ thuật, trang thiết bị thực hiện các kỹ thuật ít sang chấn.

Khi sỏi hai bên mà đều có chỉ định phẫu thuật thì căn cứ vào nguyên tắc sỏi dễ lấy mổ trước, khó lấy mổ sau, thận chức năng còn tốt mổ trước, chức năng xấu mổ sau (nguyên tắc ưu tiên dễ trước, khó sau).

Các phương pháp phẫu thuật:

Mở bể thận, niệu quản đơn thuần lấy sỏi.

Mở nhu mô thận lấy sỏi.

Mở bể thận – nhu mô thận lấy sỏi.

Dẫn lưu thận.

Cắt thận bán phần.

Cắt thận toàn bộ.

SỎI BÀNG QUANG.

Nguyên nhân:

Sỏi từ hệ tiết niệu trên rơi xuống bàng quang.

Sỏi sinh ra tại bàng quang: do các dị vật như chỉ khâu, mảnh đạn, đầu sonde. Do quá trình ứ đọng nước tiểu ở bệnh nhân hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt, chít hẹp cổ bàng quang, hẹp miệng sáo, túi thừa bàng quang, chấn thương hoặc vết thương cột sống tủy sống.

Triệu chứng:

Triệu chứng lâm sàng:

Triệu chứng cơ năng:

Nổi bật là tình trạng đái ngắt ngừng: bệnh nhân đang đi tiểu đột nhiên tia tiểu tắc lại và đau dữ dội vùng dương vật. Thay đổi tư thế lại có thể đái được. Ở trẻ em có thể gặp hội chứng “bàn tay khai”.

Đái rắt: đái tăng lần về ban ngày do bệnh nhân đi lại vận động nên sỏi lăn trong bàng quang gây kích thích đi đái nhiều lần, nếu được nghỉ ngơi thì số lần đi tiểu giảm.

Đái buốt cuối bãi.

Thay đổi màu sắc nước tiểu: đái đỏ cuối bãi.

Triệu chứng thực thể:

Thăm trực tràng khi sỏi to lúc bàng quang hết nước tiểu có thể sờ thấy sỏi.

Thăm khám bằng dụng cụ: làm dấu hiệu chạm sỏi (+). Gõ sỏi bằng thông sắt (Bénique) có thấy cảm giác chạm sỏi.

Soi bàng quang: giúp ta xác định số lượng, hình dáng, kích thước, màu sắc sỏi.

Triệu chứng cận lâm sàng: 

XN nước tiểu: HC, BC tăng.

Chụp XQ vùng chậu hông thấy có hình sỏi cản quang hình trứng (có vòng đồng tâm ở ngay trên khớp mu).

Siêu âm.

Chẩn đoán:

Chẩn đoán xác định:  Dựa vào 3 yếu tố chính:

Triệu chứng đái ngắt ngừng.

Dấu hiệu chạm sỏi (+), hoặc soi bàng quang nhìn thấy có sỏi.

X.quang: có hình sỏi cản quang  trong vùng tiểu khung.

Chẩn đoán phân biệt: 

U tuyến tiền liệt.

U bàng quang.

Hẹp niệu đạo, chít hẹp cổ bàng quang.

Bàng quang thần kinh.

Viêm bàng quang cấp.

Điều trị:

Điều trị nội khoa:

Sỏi bàng quang nhỏ từ đường tiết niệu trên rơi xuống có thể điều trị kháng sinh chống viêm, giảm đau, giãn cơ trơn để đái ra sỏi.

Tán sỏi: 

Sỏi bàng quang không đái ra được, sỏi kích thước nhỏ < 3 cm.

Có thể tán sỏi bằng máy tán sỏi cơ học, hoặc bằng máy Urat I.

Điều trị phẫu thuật: 

Chỉ định:

Sỏi to, sỏi không thể tán được.

Sỏi bàng quang có kèm theo hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt, túi thừa bàng quang thì việc phẫu thuật vừa lấy sỏi và giải quyết nguyên nhân chính gây ra sỏi.

Phương pháp phẫu thuật: 

Mở bàng quang lấy sỏi và dẫn lưu bàng quang trên xương mu.

Chỉ đóng kín bàng quang và đặt sonde qua niệu đạo khi nước tiểu trong bàng quang không viêm và sỏi nhỏ.

SỎI NIỆU ĐẠO.

Nguyên nhân:

Sỏi từ bàng quang chui ra và mắc lại chỗ hẹp của niệu đạo.

Sỏi sinh ra tại các túi thừa niệu đạo.

Triệu chứng và chẩn đoán:

BN bí đái cấp tính hoặc đái rỉ, có khi cầu bàng quang (+).

Sờ dọc niệu đạo từ trong ra ngoài thấy sỏi.

Thông tiểu bằng thông sắt thấy có chạm sỏi.

Điều trị:

Căn cứ vào vị trí nằm của sỏi trên niệu đạo để có chỉ định điều trị thích hợp.

Khi sỏi nằm ở hố thuyền: mở rộng miệng sáo lấy sỏi.

Sỏi nằm ở vị trí khác của niệu đạo: bơm dầu parapin vào niệu đạo và đẩy ngược viên sỏi vào bàng quang và sau đó giải quyết như sỏi bàng quang.

Trường hợp sỏi mắc kẹt ở niệu đạo không đẩy vào bàng quang được và cũng không lấy theo đường niệu đạo thì phải mở tại chỗ niệu đạo lấy sỏi và phải dẫn lưu bàng quang trên xương mu (đây là việc làm bất đắc dĩ).

BÌNH LUẬN

WORDPRESS: 0