You dont have javascript enabled! Please enable it! Siêu âm tim 3 chiều trong chẩn đoán bệnh tim mạch - THƯ VIỆN MEDIPHARM
Trang chủNội khoa

Siêu âm tim 3 chiều trong chẩn đoán bệnh tim mạch

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị lao khớp và cột sống (Tuberculosis of Joint and Spine)
Thuốc ức chế dipeptidyl peptidase 4 (DPP-4) trong điều trị bệnh đái tháo đường týp 2
HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH SÁN MÁNG PHỔI (PULMONARY SCHISTOSOMIASIS)
Phác đồ chẩn đoán và điều trị Sốc nhiễm khuẩn
Triệu chứng học cột sống

NGUYỄN TUẤN VŨ

Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

 

       Siêu âm tim 3 chiều (SAT 3D) đã được ứng dụng từ sau năm 2000. Sự phát triển của đầu dò 3 chiều với các tinh thể phát sóng siêu âm sắp xếp theo ma trận bao gồm các kiểu  Siêu âm với thời gian thực (Live 3D), Siêu âm tim 3 chiều phóng đại (3D Zoom), Siêu âm tim lấy hình toàn bộ thể tích (Full Volume) đã cải thiện những nhược điểm của Siêu âm tim 2 chiều. Hiện nay phương pháp chẩn đoán mới này ngày càng được ứng dụng  rộng rãi hơn trong chẩn đoán chính xác hầu hết các bệnh  tim mạch, đặc biệt Siêu âm tim 3 chiều cung cấp những thông tin quan trọng trước, trong và sau khi can thiệp qua thông tim như: nong van 2 lá bằng bóng qua da, thủ thuật kẹp van 2 lá, thay van ĐMC qua da, đóng thông liên nhĩ và lỗ bầu dục thông thương, đặt lồng Watchman trong tiểu nhĩ trái.

Từ khóaSAT 3 D, Can thiệp qua thông tim.

THREE-DIMENSIONAL ECHOCARDIOGRAPHY IN DIAGNOSIS OF CARDIOVASCULAR DISEASES 

Three Dimensional Echocardiography (3DE) was introduced after the year 2000. With the development of fully sampled matrix array transducers, 3D Echocardiography including Live 3D, 3D zoom and Full Volume overcomes the disadvantages of Two Dimensional Echocardiography, provides better the cardiac structure. Currently, this new method is applied more and more to make exactly the diagnosis of almost cases of  cardiovascular diseases, especially 3DE provides the important information prior , during and next to performing catheter interventions for  Percutaneous Mitral Ballon Valvuloplasty, MitraClip, Transcatheter Aortic Valve Implantation, Atrial Septal Defect and Patent Foramen Ovale Closure, Watchman Device Implantation.

Keywords: 3D Echocardiography, Catheter Intervention.      

 

PHẦN I: NGUYÊN LÝ CƠ BẢN

  1. Giới thiệu:

Siêu âm tim 3 chiều (SAT3D) là một cuộc cách mạng trong chẩn đoán hình ảnh. Sự tiến bộ của máy tính và kỹ thuật đầu dò đã giúp ghi hình 3 chiều thời gian thực (Real-time 3DE). Lợi ích của SAT3D đã được chứng minh trong (1) lượng giá được thể tích và khối cơ các buồng tim, (2) đánh giá vận động vùng cũng như chức năng tâm thu thất trái, (3) trình bày các hình ảnh thực của van tim, (4) đánh giá thể tích phụt ngược của sang thương hay đánh giá luồng thông với siêu âm tim 3 chiều Doppler màu, và (5) siêu âm tim 3 chiều gắng sức.[1],[4],[5]

Hình 1. Siêu âm tim 3 D, thu nhận dữ liệu theo kiểu tích hợp nhiều chu chuyển tim

Nguồn: ” ASE 2012″[4]

  1. Dụng cụ, máy móc:

2.1. Qúa trình tạo ra hình ảnh siêu âm:

Thành phần chính của đầu dò siêu âm tim là các thanh áp điện piezelectric, có thể phát ra sóng âm với tần số cao khi có một điện thế áp vào, sóng siêu âm này phát ra từ đầu dò, gặp ranh giới giữa 2 môi trường dẫn âm khác nhau, sẽ bị phản âm lại một phần, sóng phản âm này lại được thanh áp điện nhận và chuyển thành tín hiệu điện gửi vào máy siêu âm để xử lý thành hình ảnh siêu âm.

Một thanh áp điện đơn độc chỉ có thể phát sóng siêu âm và tạo nên hình ảnh siêu âm theo một chiều, đó là siêu âm kiểu TM (M-mode).

Siêu âm tim 2 chiều ( 2D hoặc B-mode ) đòi hỏi nhiều thanh áp điện sắp xếp song song theo một hướng ,và hoạt động theo pha xen kẻ nhau, đối với các đầu dò cơ học thì chỉ cần một thanh áp điện được xoay nhanh.

Với Siêu âm tim 3D, các thanh áp điện được sắp xếp thành hình ma trận và hoạt động theo pha xen kẻ nhau.

Đầu dò 3D hoạt động theo ma trận có khoảng 2000- 3000 tinh thể phát sóng siêu âm với tần số hoạt động từ 2- 4MHz cho siêu âm tim qua thành ngực và 2-7 MHz cho siêu âm tim qua thực quản. Việc hoạt động theo pha của các tinh thể phát sóng siêu âm theo ma trận tạo ra sóng siêu âm theo 3 hướng tạo nên hệ thống hình tháp [5], [6].

Hình 2. Đầu dò 2D và đầu dò 3D. Nguồn: “Catherine Otto 2017″[6]

2.2. Đầu dò siêu âm tim tổ hợp pha theo ma trận (Fully Sample Matrix-Array Transducers)

Siêu âm tim 3D thời gian thực (Real-time DE) phát triển rất nhanh sau năm 2000 nhờ những tiến bộ trong kiến tạo hình thể đầu dò, sự tiến bộ trong ngành vi điện tử và máy tính.

Hiện tại, các đầu dò siêu âm tim 3 chiều bao gồm khoảng 3000 tinh thể phát sóng siêu âm (piezoelectric elements), với tần số 2-4 MHz cho siêu âm tim qua thành ngực (TTE) và 5-7MHz cho siêu âm tim qua thực quản (TEE).[1],[6.]

Hình 3. Xếp và hoạt hóa các thanh áp điện piezoelectric trong các đầu dò              

A: TM-mode, B: Siêu âm tim 2D, C: Siêu âm 3D với một số thanh áp điện hoạt hóa, D: Siêu âm 3D tổ hợp ma trận, toàn bộ các thanh áp điện đều được hoạt hóa.

Nguồn: “Catherine Otto 2017″[6]

  1. Thu nhập dữ liệu:

Hiện tại có 2 cách ghi nhận dữ liệu siêu âm tim 3 chiều (3DE):

Ghi hình thời gian thực 3D (Real-time hay Live 3 DE) thu nhận số lượng các hình tháp trong mỗi giây, trong một chu chuyển tim.

Ghi hình từ nhiều chu chuyển tim kế nhau gộp lại nhờ điện tâm đồ (gated ECG).

Hình 5. Siêu âm tim 2D, SAT 3D thời gian thực, SAT 3D Toàn bộ thể tích.

Nguồn: “Catherine Otto 2017″[6]

  1. Các kiểu siêu âm tim 3 chiều [4],[5],[6]:

4.1. Nhiều mặt cắt đồng thời (Simultaneous Multiplane Mode) hay còn gọi là X-plane Mode

Nhờ đầu dò sắp xếp ma trận theo pha, nên có thể khảo sát trên màn hình siêu âm đồng thời 2 hình ảnh thực từ 2 mặt cắt khác nhau. Mặt cắt thứ nhất sẽ dùng làm tham khảo, sau đó xoay mặt cắt còn lại để ghi hình, dĩ nhiên siêu âm Doppler cũng có thể sử dụng đi kèm.

Siêu âm kiểu này thường dùng để truy tìm huyết khối tiểu nhĩ, giúp chọn vị trí chọc kim trong thông tim can thiệp chọc vách liên nhĩ.

Hình 6. Siêu âm tim 3 chiều kiểu X-plane mode.  Nguồn “Nguyễn Tuấn Vũ”

4.2. Siêu âm tim 3 chiều thời gian thực, góc quét hẹp (Real-time 3D Mode- narrow sector, Live 3D)

Siêu âm tim 3 chiều thời gian thực (Live 3D), sử dụng đầu dò sắp xếp ma trận theo pha, có thể trình bày từ 300-600 thể tích hình tháp. Tuy kích thước của chùm tia có thể không đủ để khảo sát toàn vẹn một cấu trúc nhưng phương pháp ghi hình này có độ ly giải theo thời gian cực tốt.

Nếu cần khảo sát cấu trúc tim có thể tích lớn hơn góc quét, có thể chọn phương pháp tích hợp nhiều chu chuyển tim lại.

Hình 7. Siêu âm tim kiểu Live 3D khảo sát van ĐMC.

Nguồn: “Nguyễn Tuấn Vũ”

4.3. Siêu âm tim 3 chiều với góc quét rộng và khu trú (Focused Wide Sector- “ZOOM”)

Kiểu siêu âm này cho phép khu trú vùng khảo sát lên một cấu trúc tim với góc quét rộng. Cần chú ý không mở góc quét rộng quá vì góc quét quá rộng sẽ là giảm độ ly giải không gian và thời gian.

Hình 8. Siêu âm tim 3 chiều kiểu 3D zoom, huyết khối tiểu nhĩ trái.

Nguồn:”Nguyễn Tuấn Vũ”

4.4. Siêu âm tim toàn bộ thể tích (Full Volume Mode)

Kiểu siêu âm tim này có góc quét rộng tối đa, lý tưởng để khảo sát một số cấu trúc như van 2 lá, gốc động mạch chủ.

Ngoài ra dữ liệu siêu âm 3 chiều có thể cắt ra (cropped), hoặc cắt gọt theo nhiều mặt phẳng khác nhau, để trình bày rõ một cấu trúc ví dụ van tim ở giữa một khối hình.

Hình 9. Siêu âm tim 3 chiều kiểu toàn bộ thể tích (Full Volume).

Nguồn:”Nguyễn Tuấn Vũ”

 PHẦN II: MỘT SỐ ỨNG DỤNG CỦA SIÊU ÂM TIM 3 CHIỀU

  1. BỆNH LÝ VAN 2 LÁ

1.1. Khảo sát giải phẫu van 2 lá:

1.1.1. Vòng van 2 lá: trên siêu âm tim 3D có dạng cong như parabol hoặc yên ngựa, hình dạng này không thể thấy trên siêu âm tim 2D. Đường kính vòng van 2 lá đo trên siêu âm tim 3D chính xác hơn, giá trị này bị ước tính thấp hơn giá trị thực từ 15-20% nếu đo bằng siêu âm tim 2D.

Siêu âm tỉm 3D có thể đo được tất cả thông số cần thiết của vòng van 2 lá như: chu vi vòng van, diện tích van, diện tích lá trước, diện tích lá sau, chiều cao của vòng van, khoảng cách giữa 2 mép van.

Hình 10. Giải phẫu vòng van 2 lá, vòng van 2 lá (1), 2 lá van (2), dây chằng (3), trụ cơ (4), nhĩ trái (5).

Nguồn: “Edward A. Gill 2013″[3]

1.1.2. Các lá van của van 2 lá:

Lá trước van 2 lá chiếm 2/3 diện tích lỗ van, bám vào vòng van trước sát van động mạch chủ. Lá sau van 2 lá chiếm 1/3 diện tích lỗ van và có hình bán nguyệt.

Mỗi lá van có 3 phần: lá trước bao gồm A1, A2, A3: lá sau gồm P1, P2 và P3. Trong đó các thành phần A1 và P1 ở về phía tiểu nhĩ trái.

 Hình 11: Cấu trúc các lá  van 2 lá nhìn từ mặt nhĩ xuống và từ mặt thất lên.

                 Nguồn:”Edward A. Gill 2013″

Mép van trước bên là chỗ nối A1 và P1, mép van sau trong lá chỗ nối A3 và P3. Mức độ vôi hóa mép van được đánh giá rõ trên siêu âm tim 3D hơn trên siêu âm tim 2D, điều này rất quan trọng khi nong hẹp van 2 lá bằng bóng, quyết định sự thành công của thủ thuật.

Khi đo diện tích van 2 lá, siêu âm tim 3D với chức năng “Crop” có thể đo được diện tích mở van 2 lá chính xác hơn siêu âm tim 2D, nhờ thấy được toàn thể van 2 lá và có thể cắt ngang chỗ có diện tích nhỏ nhất.

Siêu âm tim 3D với kiểu 3D Zoom, có thể trình bày toàn bộ các thành phần của  lá trước và lá sau, van 2 lá cử động đồng thời trên một góc nhìn. Trong khi siêu âm tim qua thực quản 2D cũng không thể thấy được cùng lúc tất cả các thành phần của lá trước và lá sau.

 Hình 12. Tương quan giữa  Siêu âm tim 2D, 3D và sơ đồ giải phẫu van 2 lá

Nguồn: “Edward A. Gill 2013”

Khi có sa van 2 lá, cần phải xác định thành phần nào của lá trước, lá sau bị sa, siêu âm tim 3D với chức năng X plane và 3D Zoom giải quyết dễ dàng yêu cầu này.

 Hình 13. Siêu âm tim 3 chiều phát hiện đứt dây chằng van 2 lá

 Nguồn “Nguyễn Tuấn Vũ”

Khi có hở van 2 lá, siêu âm tim 3 chiều nhìn thấy dòng hở rõ hơn dưới dạng cột màu, ngoài ra còn thấy được các dòng hở khác nhau trong trường hợp hở nhiều dòng.

Hình 14. Hở van 2 lá nhiều dòng trên Siêu âm tim 3 chiều

Nguồn: “Nguyễn Tuấn Vũ”

1.2. Một số điều trị can thiệp bệnh lý van 2 lá:

1.2.1. Nong van 2 lá bằng bóng (Balloon Mitral Commissurotomy)

Siêu âm tim 3D qua thực quàn đóng vai trò rất quan trọng :

Trước khi nong: đo diện tích mở van, mô tả giải phẫu van 2 lá, trong đó có sử dụng thang điểm Wilkins: nhóm 1 từ 7-9 điểm lí tưởng để thực hiện nong van 2 lá bằng bóng, nhóm 2 từ 8- 12 điểm thiên về cắt mép 2 lá tim hở, nhóm 3 từ 10-15 điểm thường điều trị bằng thay van 2 lá nhân tạo.

Siêu âm tim kiểu 3D Zoom giúp đánh giá mức độ xơ hóa, vôi hóa và biến dạng van 2 lá, dính mép ở bên hay ở giữa.

Hình 15. Hẹp van 2 lá khít, xơ hóa nặng                   Hình 16. Huyết khối nhĩ trái

      Nguồn: “Nguyễn Tuấn Vũ”                                                     Nguồn: “Nguyễn Tuấn Vũ”

Trong khi làm thủ thuật:

Hướng dẫn đâm xuyên vách liên nhĩ, đặc biệt sử dụng kĩ thuật X-plane khảo sát vách liên nhĩ theo 2 mặt vuông góc với nhau để xác định rõ vị trí đâm xuyên vách liên nhĩ tại lỗ bầu dục (Fossa ovalis).

Hình 17. Kim chuẩn bị chọc thủng vách liên nhĩ                

Hình 18. Kim đã chọc thủng và ống thông đi qua vách liên nhĩ an toàn

Nguồn: “Edward A. Gill 2013”

Hình 19. Điều khiển bóng Inoue ngay giữa lỗ van 2 lá trước khi đi qua lỗ van.

Nguồn: “Edward A. Gill 2013”

Điều khiển ống thông can thiệp hướng vào giữa lỗ van 2 lá, đây là giai đoạn rất khó và có thể gây ra biến chứng tràn máu màng tim do đâm thủng vách của tâm nhĩ trái nếu không có siêu âm tim 3D hướng dẫn đường đi

Sau khi can thiệp: đo đạc diện tích mở van 2 lá, khảo sát sự mở của mép van, phát hiện hở van 2 lá sau nong,

1.2.2. Thủ thuật MitraClip

Thủ thuật MitraClip được FDA chấp thuận trong điều trị can thiệp hở van 2 lá do thoái hóa và hở van 2 lá cơ năng nặng .

Dụng cụ để làm MitraClip được đưa theo đường thông tim phải xuyên qua vách liên nhĩ hướng vào giữa vòng van 2 lá xuống tâm thất trái kẹp van 2 lá lại, tạo nên vòng van hình số 8.

Hình 20. Thủ thuật MitraClip

Nguồn:”Catherine Otto 2017″

SAT qua thực quản 3D giúp xác định vị trí chọc thủng vách liên nhĩ cũng như định hướng đi của ống thông vào giữa lỗ van 2 lá xuống thất trái.

  Hình 21. Quá trình thực hiện thủ thuật MitraClip.

  Nguồn: “Edward A. Gill 2013”

Sau khi làm MitraClip, Siêu âm tim qua thực quản kiểm tra xem Clip có đúng vị trí không, đánh giá mức độ hở van 2 lá tồn lưu[3],[6],[10].

1.3. Kỹ thuật thay van Động mạch chủ qua da (Transcatheter Aortic Valve Implantation)

Hẹp van ĐMC là bệnh lý khá thường ở người lớn tuổi các nước Âu Mỹ, bệnh có triệu chứng nổi bật là ngất hoặc choáng váng khi thay đổi tư thế. Các biến chứng nặng nề có thể la đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp, đột tử.

Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn giúp chẩn đoán xác định bệnh, mức độ nặng nhẹ, và giúp lựa chọn giải pháp điều trị thích hợp.

Điều trị hẹp van ĐMC nặng, có triệu chứng chủ yếu là phẫu thuật thay van ĐMC

Ngày nay với sự phát triển của tim mạch học can thiệp, hẹp van ĐMC có thể được điều trị bằng thay van qua ngã thông tim hay còn gọi là TAVI.

Siêu âm tim 3D nhất là Siêu âm tim qua thực quản 3D có vai trò rất quan trọng trong việc chỉ định bệnh làm TAVI, hướng dẫn thông tim trong khi làm thủ thuật, và theo dõi biến chứng sau thủ thuật.

Trước khi làm thủ thuật: Siêu âm tim qua thực quản 3D đánh giá mức độ hẹp van động mạch chủ ( hẹp nặng nếu diện tích mở van <1 cm2, độ chênh áp trung bình > 40mmHg, vận tốc tối đa qua van động mạch chủ > 4m/s )

Loại trừ van động mạch chủ 2 mảnh là chống chỉ định làm TAVI

Đo kích thước vòng van  Động mạch chủ và các đường kính quan trọng của động mạch chủ lên để lựa chọn loại và kích thước của van nhân tạo.

Hình 22. SAT 3D trước thủ thuật TAVI. Nguồn: “Nguyễn Tuấn Vũ”

Đo khoảng cách từ vòng van động mạch chủ đến lỗ động mạch vành, nếu khoảng cách này quá ngắn thì không sử dụng van Edwards (van CoreValve được lựa chọn thay thế trong trường hợp này).

Trong khi làm thủ thuật: Siêu âm tim qua thực quản 3D theo dõi trình tự ép van tự nhiên bằng bóng, đặt van nhân tạo, xác định van nhân tạo có đúng vị trí hay không ?

Sau khi làm thủ thuật:

Siêu âm tim qua thực quản 3D để đánh giá van ĐMC nhân tạo:

Có cố định tốt hay không ?

Có di lệch về phía lá trước van 2 lá hay không, gây hở van 2 lá do thủ thuật ?

Có hở cạnh van ĐMC hay không ?

Hình 23. Hở cạnh van ĐMC nặng sau làm TAVI. Nguồn:”Catherine Otto 2017″                          

  1. Bít dù Thông liên nhĩ: Thông liên nhĩ (Atrial Septal Defect) là sự thông thương giữa 2 buồng nhĩ tạo nên luồng thông trái – phải, chiếm 10% trong tất cả bệnh tim bẩm sinh, chiếm 25- 30% bệnh tim bẩm sinh ngưới lớn, 4/100.000 ở trẻ sơ sinh.[2],[6],[7],[8].

Theo phân loại của Roki tansky, Thông liên nhĩ (TLN) bao gồm các dạng sau đây: TLN  lỗ thứ phát (Secundum ASD), TLN lỗ nguyên phát (Premum ASD), Thông liên nhĩ Sinus Venosus, TLN xoang vành (unroofed coronary sinus), tâm nhĩ chung.

Bệnh TLN nếu luồng thông lớn sẽ làm tăng lưu lượng máu qua tim phải, tăng gánh thất phải, tăng áp động mạch phổi và suy tim phải. Bệnh nhân có luồng thông nhỏ đến trung bình có thể không có triệu chứng cho đến khi trưởng thành.

Đối với những trường hợp luồng thông đáng sẽ được đóng bằng phẫu thuật, hoặc ngày nay là bít dù qua ngã thông tim phải.

Siêu âm tim 3D qua thực quản có vai trò quan trọng trong chỉ định bít dù lỗ thông, hướng dẫn đường đi của ống thông trong khi làm thủ thuật, theo dõi sự cố định của dù sau thủ thuật và luồng thông tồn lưu.[1],[6].

Hình 24. Các rìa của Thông liên nhĩ

Nguồn:  OTTO (2013) Textbook of Clinical Echocardiography

Điều trị: đối với tất cả TLN cần phải điều trị sửa chửa khi bệnh nhân có triệu chứng.

Thông liên nhĩ nguyên phát, thể xoang tĩnh mạch: điều trị bằng ngoại khoa.

Điều trị TLN cũng nên được xem xét ở những bệnh nhân không triệu chứng, có tim phải lớn, Qp/Qs >1,5.[2],[6]

Thông liên nhĩ lỗ thứ phát có triệu chứng có thể điều trị can thiệp qua da bằng phương pháp bít dù lỗ thông liên nhĩ. Thông liên nhĩ lỗ thứ phát chiếm 75% tất cả các trường hợp TLN, có thể hình tròn, bầu dục hay nhiều lỗ.

Siêu âm tim qua thành ngực có mặt cắt dưới sườn là mặt cắt chuẩn để chẩn đoán TLN lỗ thứ phát vì lúc đó có sự song song giữa dòng máu và chùm tia sóng siêu âm.

Siêu âm tim qua thực quản 2D có thể chẩn đoán được tất cả các dạng TLN, đo đạc các rìa của lỗ thông nhưng không thể thấy được hình dạng thật sự của lỗ thông cũng như các rìa của lỗ thông trên cùng 1 hình ảnh siêu âm như trên Siêu âm tim qua thực quản 3D.[5],[6].

  Hình 25. TLN lỗ thứ phát, Siêu âm tim 3D kiểu X-plane và 3 D Zoom

  Nguồn: “Nguyễn Tuấn Vũ”

Siêu âm tim thực quản 3D rất quan trọng có thể xoay được hình ảnh giúp nhìn lỗ thông từ nhĩ trái hoặc từ phía nhĩ phải. Trước đây người ta chỉ có bít dù đối với những Thông liên nhĩ < 30mm, rìa > 8mm tuy nhiên hiện nay có thể bít dù thành công những Thông liên nhĩ lỗ lớn nhờ sự hỗ trợ từ Siêu âm tim qua thực quản 3D

Các rìa cần phải khảo sát: rìa đến van Động mạch chủ, rìa đến van 2 lá, rìa đến tĩnh mạch chủ trên- tĩnh mạch chủ dưới, rìa đến tĩnh mạch phổi.[6],[10]

 Hình 26. Siêu âm 3 chiều đo các rìa Thông liên nhĩ

Nguồn:”(Nguyễn Tuấn Vũ”

Trong khi làm thủ thuật bít dù : Siêu âm tim qua thực quản 3D cần thiết để kiểm tra xem đường đi của dụng cụ, và xác định đúng vị trí bít dù.[3],[10].

Sau khi làm can thiệp: dù bít Thông liên nhĩ có cố định tốt  hay không, còn luồng thông tồn lưu hay không, có làm tắt nghẽn tĩnh mạch phổi hay van 2 lá hay không.

Hình 27. Bít dù TLN lỗ thứ phát

  1. Khảo sát van tim nhân tạo:

Van tim nhân tạo rất khó khảo sát bằng Siêu âm tim qua thành ngực vì tạo phản âm rất mạnh.

SAT    qua thực quản 2D có thể khảo sát van cơ học rõ hơn Siêu âm tim qua thành ngực sự cử động của các lá van và dòng hở qua van. Tuy nhiên vẫn còn giới hạn trong việc xác định hở cạnh van (dehisence), những khối pannus và huyết khối Những giới hạn này có thể được cải thiện bởi Siêu âm tim qua thực quản 3D.

  Hình 28. Van 2 lá cơ học  Nguồn: “Nguyễn Tuấn Vũ”

Hình 29. Hở cạnh van 2 lá cơ học  Nguồn : “Edward.Gill 2013”     

  1. Bít tiểu nhĩ trái bằng dụng cụ Watchman phòng ngừa thuyên tắc do huyết khối

Rung nhĩ là loại loạn nhịp kéo dài thường gặp nhất và kết hợp nguy cơ cao bị thuyên tắc não, năm 2010 có khoảng  2,7-6,1 triệu người ở Mỹ và  33,5 triệu người trên toàn thế giới

Tiểu nhĩ trái (Left atrial appendage) được cho là nguồn gốc của hơn 90% trong các trường hợp thuyên tắc được cho là do huyết khối

Điều trị bít tiểu nhĩ trái: cắt tiểu nhĩ trái bằng ngoại khoa để phòng ngừa huyết khối tiểu nhĩ trái tái phát nhiều lần (khoảng 60 năm trước của tác giả Madden), và hiện nay có thể đóng tiểu nhĩ trái qua thông tim bằng dụng cụ Watchman bằng sự trợ giúp của siêu âm tim qua thực quản 3D

Wactchman là một dụng cụ có chứa nitinol và polyethylene. Dụng cụ này được đưa vào tim bằng thông tim phải và cố định vào tiểu nhĩ trái.[3],[10].

Hình 30. Dụng cụ Watchman trên SAT 3D

  1. Đánh giá các khối u trong tim

Chẩn đoán phân biệt các cấu trúc dạng khối trong tim (intracardiac mass) bao gồm: huyết khối, sùi, u, mô ngoài tim…

U nguyên phát trong tim hiếm gặp chiếm tỉ lệ 0,001-0,03 % , u nguyên phát thường gặp nhất trong tim là u nhầy (Myxoma), khu trú trong tâm nhĩ đặc biệt ở nhĩ trái, thường có cuống bám vào vách liên nhĩ, di động nhiều. SAT 3D thấy rõ hình thể khối u, vị trí, cuống bám giúp cho việc xác định chẩn đoán và điều trị

  Hình 31. Siêu âm tim 3 chiều X-plane phát hiện u nhầy nhĩ trái (Nguyễn Tuấn Vũ)

U ác tính thường gặp hơn u nguyên phát, trong đó có Angiosarcom, các khối u di căn từ vú, phổi vào tim. Melanoma cũng được ghi nhận di căn đến tim.[3],[6].

Hình 32. Hình u nhầy nhĩ trái thì tâm thu trên siêu âm tim 3 chiều (Nguyễn Tuấn Vũ)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. William F. Armstrong, Thomas Ryan(2010).”Feigenbaum’s Echocardiography”, 7th Edition, William &Wilkins;pp 01-38.
  2. Michael A.Gatzoulis, Gary D.Webb, PiersE.F.Daubenney ( 2018 ). “Diagnosis and Management of Adult Congenital Heart Disease”, 3th Edition, Elsevier; pp 306-315.
  3. Edward A.Gill MD ( 2013 ).”Atlas of 3D Echocardiography”, 1st Edition, Elsevier ; pp 75-338.
  4. Roberto M. Lang et al.( 2012 ).”EAE,ASE Recommendations for Image Acquisition and Display Using Three-Dimensional Echocardiography”, J Am Soc Echocardiography 2012; 25:3-46.
  5. Catherine Otto ( 2013 ).”Textbook of Clinical Echocardiography” ,5th Edition, Elsevier; pp01-111.
  6. Catherine Otto (2017).”The Practice of Clinical Echocardiography” ,5th Edition, Elsevier; pp 261-455.
  7. Myung K. Park ( 2008 ).”Pediatric Cardiology for Pratitioners”, 5th Edition, MOSBY Elservier; pp 81-84.
  8. Joseph K. Perloff ( 2012 ).”Clinical Recognition of Congenital Heart Disease”, 6th Edition, Elservier; pp 212-272.
  9. David Sidebotham, Alan F. Merry, Malcolmm E. Legget (2011) .”Perioperative Transesophageal Echocardiography”, Elsevier; pp 01-85.
  10. .Eric J. Topol, Paul S. Teirstein ( 2016 ).”Textbook of Interventional Cardiology”, 7th Edition, Elsevier, pp 727-811

Nguyễn Tuấn Vũ ( 2019 ).,”Đại cương siêu âm tim 3 chiều”.Nhà xuất bản VH-VN TP.HCM,ISBN: 978-604-68-5694-8.

BÌNH LUẬN

WORDPRESS: 0