Trang chủNội khoaNội tiết

Đái tháo đường thai kì

ĐỊNH NGHĨA

Đái tháo đường thai kì là tình trạng rối loạn dung nạp glucose khởi phát hoặc lần đầu tiên phát hiện trong thai kì, hậu quả của tình trạng tăng đề kháng insulin, thường tình trạng đề kháng này cao nhất trong 3 tháng cuối thai kì.

TẦM SOÁT VÀ CHẨN ĐOÁN

Tầm soát khi có các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kì

  • Tuổi > 37, nguồn gốc chủng tộc như: châu Phi, châu Á, Tây Ban Nha, da đỏ ở Mỹ.
  • BMI > 28, cân nặng trước mang thai > 80 kg
  • Tiền sử gia đình bị đái tháo đường
  • Sanh con nặng ký
  • Sảy thai, sanh non
  • Hội chứng buồng trứng đa nang.

Tầm soát

Thực hiện nghiệm pháp dung nạp 75 g glucose (Hiệp Hội Đái tháo đường Hoa Kì) vào tuần thứ 24-28 của thai kì ở thai phụ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó. Thai phụ uống 75g glucose, đo đường huyết 1 giờ, 2 giờ.

Chẩn đoán đái tháo đường thai kì khi có bất kỳ giá trị nào như bảng hay vượt giá trị bình thường

Phân loại và chẩn đoán đái tháo đường khi có thai

Đái tháo đường type 1 hay type 2 khi có thai

Đái tháo đường không được chẩn đoán trước khi có thai.

Thường xảy ra ở tam cá nguyệt đầu tiên

Tiêu chuẩn chẩn đoán:

  • Đường huyết tương đói ≥ 7 mmol/1 (126 mg/dl)
  • HbAlc ≥ 6,5%.

Đái tháo đường thai kì

Xuất hiện ở tuần thứ 24-28 của thai kì.

Tiêu chuẩn chẩn đoán:

– Đường huyết tương đói ≥ 5,1 mmol/L (92 mg/dl) nhưng < 7 mmol/L (126 mg/dl)

– Hay thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose với 75 gram bằng đường uống khi chẩn đoán đái tháo đường thai kì theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kì.

Biến chứng của đái tháo đường thai kì

– Biến chứng cho mẹ: tăng nguy cơ nhiễm trùng niệu, viêm đài bể thận không triệu chứng, phù, cao huyết áp, tiền sản giật

– Biến chứng cho thai nhi: sanh non, thai nặng ký, dễ bị chấn thương khi sanh, hạ đường huyết, hạ calci máu, đa hồng cầu, vàng da, suy hô hấp, tử vong chu sinh.

ĐIỀU TRỊ

Mục tiêu (theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kì 2012)

Đối với đái tháo đường thai kỳ: đạt mục tiêu khi đường huyết mao mạch có giá trị sau

  • Đường huyết đói: 90-99 mg% (5,0-5,5 mmol/L)
  • 1 giờ sau ăn < 140 mg% (7,8 mmol/L)
  • 2 giờ sau ăn < 120 mg% (6,7 mmol/L)

Đối với đái tháo đường týp 1 hay týp 2 có trước khi có thai: đạt mục tiêu khi:

  • Đường huyết trước ăn, trước khi ngủ, buổi sáng nhịn đói 60- 90 mg/dL (3,3-5,4 mmol/L)
  • Đường huyết sau ăn 100-129 mg/dL (5,4-7,1 mmol.l)
  • HbAlc < 6%

Vận động

  • Tập thể dục mức độ trung bình 30 phút/ngày. Các hoạt động thích hợp sao cho nhịp tim không quá 140 lần/phút.
  • Chóng chỉ định vận động: dọa sanh non, ối vỡ sớm, hở cổ tử cung, xuất huyết âm đạo 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kì, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, nhau tiền đạo, tiền sản giật.

Dinh dưỡng

Tổng số calo được phân phối như sau:

  • Carbohydrate: 35-45%
  • Protid: 20-25%
  • Lipid: 35-40%

Tổng số năng lượng được chia đều cho 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ. Năng lượng phân phối trong mỗi bữa ăn cũng tùy thuộc hoạt động và nhu cầu của từng thai phụ.

Sử dụng insulin

Loại insulin:

  • Insulin tác dụng nhanh (insulin Actrapid, regular)
  • Insulin bán chậm NPH
  • Insulin hỗn hợp 30/70 human (1/3 insulin thường + 2/3 insulin bán chậm)
  • Insulin tác dụng dài (Glargine) không dùng điều trị cho đái tháo đường thai kì.

Liều lượng:

  • Liều khởi đầu trung bình là 0,7 đơn vị/kg, điều chỉnh liều theo mức đường huyết và tình trạng bệnh nhân. Thường thì nhu cầu insulin sẽ tăng dần trong thai kì do tình trạng đề kháng insulin.
  • Có thể ước lượng nhu cầu insulin như sau:
  • 3 tháng đầu thai kì: cân nặng X 0,7 đơn vị
  • 3 tháng giữa thai kì: cân nặng X 0,8 đơn vị
  • 3 tháng cuối thai kì: cân nặng X 0,9 đơn vị

Số lần tiêm thuốc trong ngày:

  • 2-3 lần trước ăn, thường chia 2 lần, 2/3 tổng liêu sẽ được tiêm trước ăn sáng, 1/3 tổng liều tiêm vào trước ăn chiêu.
  • Ghi chú: các loại thuốc uống như metformin, glyburide chỉ được khuyến cáo sử dụng tại Mỹ khi bệnh nhân không đồng ý sử dụng insulin.

THEO DÕI

  • Theo dõi đường huyết thường xuyên hằng tuần đến khi sanh
  • Tất cả các thai phụ đái tháo đường đều được khuyến cáo nên cho con bú
  • Cần lưu ý việc cho con bú có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết của mẹ cũng như chất lượng sữa cho con bú
  • Kiểm soát đường huyết 6-12 tuần sau sanh, theo dõi tình trạng tăng đường huyết, đái tháo đường type 2.

TIÊN LƯỢNG:

Đái tháo đường thai kì trở thành đái tháo đường type 2 trong vòng 5-10 năm khoảng 20-30%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Mai Thế Trạch, Nguyễn Thy Khuê (2007), Nội Tiết Học Đại Cương, Nxb Y Học, Tp Hồ Chí Minh.

2. ADA (2017), “Standards of Medical Care in Diabetes”

3. Boyd.E. International Association of Diabetes and Pregnancy Study Groups Recommendations on the Diagnosis and Classification of Hyperglycemia in Pregnancy. Diabetes Care March 2010 vol. 33 no. 3 676-682

4. David G. Gardner, Dolores Shoback, Greenspan’s Basic & Clinical Endocrinology (9* edition).