You dont have javascript enabled! Please enable it! Đại cương bệnh lý chèn ép tủy - THƯ VIỆN MEDIPHARM
Trang chủNội khoa

Đại cương bệnh lý chèn ép tủy

HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ TĂNG ÁP ĐỘNG MẠCH PHỔI
Phẫu Thuật Cắt Polyp Cổ Tử Cung
Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà
Nạo Sinh Thiết Từng Phần
Cẩm nang điều trị Sốt xuất huyết Dengue – Bộ Y tế

ĐỊNH NGHĨA.

Bệnh lý chèn ép tủy là những khối phát triển trong ống sống, đè ép trực tiếp lên ống sống và rễ thần kinh, mạch máu ở trong ống sống, dẫn đến tắc nghẽn đám rối tĩnh mạch ngoài bao cứng và những hậu quả do sự xâm lấn của khối bệnh lý phát triển này.

Chèn ép tủy còn do chấn thương cột sống gây nên.

ĐẶC ĐIỂM.

Hội chứng chèn ép tuỷ do u là sự phát triển từ từ trong một ống sống chật hẹp, không có sự giãn nở; do đó tính chất và mức độ tổn thương tuỷ và rễ thần kinh sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian phát triển của bệnh (Selosse P., 1968; Nittner K., 1976).

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là tuổi 20 – 40.

Tỷ lệ tương quan giữa u tuỷ ở người lớn so với u não là khoảng – 1/6; và sự tương quan này ở trẻ em tới 1/20.

Đây là bệnh hiếm gặp, chiếm khoảng 2,06% so với các khối u khác trong cơ thể nói chung và chiếm tỷ lệ 15%  các u thuộc hệ thống thần kinh trung ương; có tỷ lệ tái phát cao từ 3 – 4%.

Hay gặp u ở vùng ngực hơn các vị trí khác.

U lành tính chiếm tỷ lệ cao từ 30 – 50% (đó là Neurinoma và Meningioma)

LỊCH SỬ.

Gower W.R. và Horsley V.A. (1888) là những người đầu tiên đề cập trong y văn thế giới nghiên cứu về hội chứng chèn ép tuỷ do u.

Elsberg C.A (1916); Dyke (1941) đưa ra các dấu hiệu X-quang thường trong chẩn đoán u tuỷ.

Queckenstedt – Stookey (1919) trong nghiên cứu về sự lưu thông dịch não tuỷ.

Marsan C. (1981) nghiên cứu về dịch não tuỷ trong hội chứng chèn ép tuỷ.

Cùng với sự ra đời của các thuốc cản quang và các phương pháp chụp tuỷ cản quang đã giúp cho việc chẩn đoán bệnh tốt hơn.

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM GIẢI PHẪU, SINH LÝ CỘT SỐNG, TUỶ SỐNG, MÀNG TUỶ VÀ SỰ LIÊN QUAN CỦA CHÚNG.

Đây là sự kết hợp một cách hài hoà, tự nhiên, một cách tối ưu thuận lợi cho chức năng. Cấu trúc vùng này gần như hằng định ở loài người mà thông qua nghiên cứu, khám xét lâm sàng, cận lâm sàng chúng ta có thể biết được sự bình thường hay không.

Cột sống:

Gồm 33 – 35 đốt sống; chia thành đoạn cổ, đoạn lưng, đoạn thắt lưng, đoạn cùng cụt. Trong đó đoạn cột sống ngực có số lượng u tuỷ là nhiều nhất, chiếm tới gần 2/3 tổng số u tuỷ.

Tuỷ sống:

Là một cấu trúc thần kinh dạng ống hình bầu dục nằm trong ống sống có giới hạn trên từ lỗ chẩm kéo dài tới L2.

Tuỷ sống gồm 31 -32 khoanh đoạn tuỷ.

C1 ­– C4 chi phối các cơ cổ tới tận vùng gáy sau (còn gọi là tuỷ cổ).

C5 – D1,2 chi phối chi trên (phình cổ).

D3 – D12,L1 chi phối hệ thần kinh thân mình (đoạn tuỷ vùng này chật hẹp; các triệu chứng liên quan đến các rễ thần kinh liên sườn và vùng trung thất)

L2 – L5 va S1,S2 chi phối thần kinh chi dưới (phình thắt lưng- đặc trưng bệnh lý hay gặp của dây thần kinh hông to).

S3 – S5 chi phối hệ tiết niệu.

ống sống rộng ở 2 vùng (vùng cổ và thắt lưng).

Định luật Chipaull (1918) chỉ ra sự liên quan giữa mỏm gai và nơi nhô ra của các rễ thần kinh: Cột sống cổ: + 1; Cột sống ngực cao: + 2; Cột sống ngực thấp: + 3.

Màng tuỷ: 

Gồm có 3 màng:

Màng cứng liên tục với màng não qua lỗ chẩm đổi thành màng cứng tuỷ.

Màng nhện liên tục với màng nhện của não qua lỗ chẩm đổi thành màng nhện tuỷ.

Màng nuôi qua lỗ chẩm bám theo tổ chức não, hành tuỷ, tuỷ và các rễ thần kinh .

Đặc điểm quan trọng nhất của màng tuỷ đó là chức năng bảo vệ, nó như một tám áo giáp che chở cho tuỷ, rễ thần kinh trong ống sống. Đặc điểm quan trọng thứ 2 đó là chức năng dinh dưỡng và dẫn truyền thông qua hệ thống dịch não tuỷ trong khoang dưới nhện.

Vì vậy trong u tuỷ sống khi làm tắc nghẽn khoang dưới nhện sẽ ảnh hưởng rất lớn, ngoài việc đè ép tại chỗ còn gây tắc nghẽn lưu thông dịch não tuỷ làm biến loạn dinh dưõng tuỷ ở đoạn dưới u và nghẽn tắc thông tin thể dịch chi phối từ trung ương ra ngoại vi.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG.

Giai đoạn đau rễ:

Đau do u tuỷ có đặc trưng là đau theo rễ thần kinh, và thời gian thường đau lâu, nó có thể là triệu chứng duy nhất của bệnh. Nhiều trường hợp đau kéo dài nhiều năm, bình thường đau kéo dài trên 6 tháng; vì thế có khi chẩn đoán nhầm với một số bệnh khác( như u tuỷ cổ giai đoạn đầu hay nhầm với thoát vị đĩa đệm cổ, hoặc u vùng cột sống ngực dễ chẩn đoán nhầm là viêm rễ thần kinh liên sườn; u vùng cột sống thắt lưng dễ nhầm với các bệnh viêm dây thần kinh hông to, thoái hoá cột sống, viêm khớp cùng chậu.)

Đặc điểm khởi bệnh bằng các dấu hiệu ban đầu thông thường như đau cột sống hoặc dị cảm hoặc rối loạn vận động chi thể một cách tự nhiên, từ từ và đau có xu hướng tăng dần.

Đau có thể do u phát triển và đè ép một bên tuỷ hoặc cả hai bên chứng tỏ u nằm phía sau. Nhưng u phát triển phía hoặc mặt trước bên tuỷ, u phát triển từ các rễ đuôi ngựa, có thể không có đau mà ngay từ đầu xuất hiện các triệu chứng rối loạn vận động của một vài nhóm cơ hoặc cả chi thể mà không có biểu hiện đau rễ, hoặc nếu có chỉ thoáng qua.

Gần 50% u tuỷ phát triển trực tiếp từ các rễ tuỷ, từ tuỷ, hoặc từ các thành phần tuỷ và màng tuỷ, nên đưa đến các kích thích rễ sớm gây đau cột sống với các mức độ khác nhau; tính chất đau sâu, đau thắt trong bắp cơ, đặc biệt là cơ cạnh sống, đau tăng dần theo thời gian. Tính chất đau ở đây khác hẳn đau trong một số bệnh lý khác, khi dùng thuốc thì triệu chứng đau giảm.

U rễ thần kinh so với u màng tuỷ thường gây đau sớm hơn vì u phát triển trực tiếp từ các rễ thần kinh và di dộng hơn. Đau rễ có thể là triệu chứng lâm sàng duy nhất trong các u nang tuỷ.

Chẩn đoán u tuỷ trong giai đoạn đau rễ thường khó khăn (khoảng 15-20%).

Giai đoạn đè ép tuỷ:

Tuỳ theo mức độ đè ép tuỷ và vị trí u mà biểu hiện lâm sàng dưới các hình thức khác nhau, có thể thấy liệt một vài nhóm cơ, hoặc liệt hai chân nếu như u ở đoạn tuỷ ngực và thắt lưng; liệt tứ chi trong u tuỷ vùng cổ.

Trong trường hợp u chèn ép một nửa tuỷ bên (bên trái hoặc bên phải) sẽ biểu hiện hội chứng Brown-Sequard với các triệu chứng sau: liệt tay và chân kiểu trung ương nhưng còn cảm giác đau ở cùng phía u, trong khi đó nửa người đối bên với bên có u thì không liệt nhưng mất cảm giác đau. Hội chứng Brown-Sequard hay gặp u chèn ép tuỷ cổ hoặc tuỷ ngực cao.

Sự hình thành bại, liệt phụ thuộc vào mức độ đè ép tuỷ do u gây nên và tuỳ thuộc vào độ thiếu máu trong tuỷ. Rối loạn vận động có thể một bên hoặc hai bên, điều đó được quan sát thấy trong các u nằm giữa  mặt trước hoặc mặt sau tuỷ hoặc trong tuỷ.

Rối loạn cảm giác có ý nghĩa đặc biệt như những dị cảm (30%), tê bì theo rễ thần kinh (60-90%); tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào nguồn gốc u. Trong các u ngoài tuỷ thường những rối loạn cảm giác nông xuất hiện muộn hơn, trước hết là cảm giác đau, sau đó là cảm giác nhiệt, và cuối cùng là cảm giác xúc giác. Trong những trường hợp phân ly cảm giác (rối loạn vận động, mất cảm giác nhiệt và đau) các tác giả gặp 20% các trường hợp ngoài tuỷ, theo kinh điển cho thấy phân ly cảm giác hiếm gặp ở các u trong tủy.

Rối loạn cơ thắt (Sphinter) có thể thấy trong tất cả các u, không phụ thuộc vào đoạn tuỷ, nhung dường như xảy ra sớm hơn, rầm rộ hơn với các u ngoài tuỷ. Biểu hiện lâm sàng là bí tiểu hoặc đái rỉ không giữ được nước tiểu.

Rối loạn sinh dục có thể  quan sát thấy chủ yếu khi u chèn ép phần đuôi ngựa hoặc đoạn cổ.

Rối loạn  phản xạ dựng lông (Pilomotorius) và rối loạn bài tiết mồ hôi.

Rối loạn dinh dưỡng có thể gặp loét bàn chân trong các u vùng thắt lưng, teo cơ gặp các u trong và ngoài tuỷ; gõ vào gai sau hoặc cơ cạnh sống luôn gây đau ở ngang mức u tuỷ.

U tuỷ vùng cổ cao có thể có triệu chứng rối loạn tiểu não (do phù tuỷ hoặc rối loạn lưu thông dịch não tuỷ trên chỗ chèn ép). Hậu quả là liệt các dây sọ như tổn thương dây V, teo cơ ức đòn chũm và cơ thang, có thể  gặp rối loạn nhánh quặt ngược của dây X, dây IX và dây XII. Có thể quan sát thấy rối loạn tim mạch (mạch chậm) do kích thích dây X (ở hành não) rất hiếm gặp mạch nhanh trong tổn thương dây X .Rối loạn hô hấp phát sinh là do vận động đầu một cách đáng kể làm tăng sự đè ép tuỷ. Hay biểu hiện tăng thân nhiệt (41 – 42 độ C), hiếm gặp giảm nhiệt độ. Thân nhiệt tăng lên do tổn thương trung tâm điều hoà thân nhiệt của hành não, những u vùng này có thể thấy sự xâm nhập tới hố sọ sau, đưa đến hội chứng tăng áp lực nội sọ (đau đầu, nôn, ứ phù gai thị, liệt các dây sọ – gặp trong u sọ tuỷ).

Nếu đè ép động mạch đốt sống hoặc các nhánh của nó có thể tạo nên sự rối loạn cung cấp máu các khu vực tương ứng gây nên các triệu chứng về não.

Các u nằm ở phần ngực trên (C7-D2) trong giai đoạn đầu của bệnh biểu hiện đau tự phát ở một bên hoặc hai bên. Trong đa số trưòng hợp nguồn gốc của đau chỉ được phát hiện khi xuất hiện rối loạn vận động liệt chi hoặc liệt cơ thắt và sự phát triển nhanh là đặc trưng của u này.

U nằm  ở đoạn ngực thấp (D7-D12) gây đau rễ ở khu vực liên sườn hoặc có thể có hội chứng ngực bụng (10%) hay một số bệnh lý lồng ngực khác.

Những u đoạn thắt lưng luôn bắt đầu bằng đau rễ một bên và sau đó

là đau rễ hai bên. Trong các u này đau thắt lưng hoặc đau hai chân, triệu chứng đau tiến triển từ vài tháng tới hàng năm là triệu  chứng duy nhất. Các u vùng đuôi ngựa thường có triệu chứng nghèo nàn, chúng có thể phát triển một thời gian dài với triệu chứng đau tự phát.

CẬN LÂM SÀNG BỆNH LÝ CHÈN ÉP TUỶ.

Chụp cột sống thường:

Chụp cột sống quy ước hay còn gọi là chụp cột sống thường (là rất cần thiết và nhất thiết phải có trong chẩn đoán phân biệt đau rễ thần kinh do các nguyên nhân khác nhau như: thoái hoá cột sống, chấn thương cột sống, ung thư di căn vào cột sống, hoặc viêm khớp, cùng hoá L5, gai đôi…).Thông thường chụp 2 phim thẳng và nghiêng để xác định xem có thay đổi bệnh lý ở xương không.

Trong u tuỷ sự thay đổi X.quang xương là hiếm gặp và xuất hiện (50%). Những thay đổi về xương chỉ rõ ràng khi u đạt đến một kích thước đủ lớn để đè ép lên xương. Kết quả của sự đè ép lâu dài của u là ống sống giãn rộng vì loạn dưỡng chân khớp, bản sống cũng như thân đốt sống. Biểu hiện bằng dấu hiệu tăng giãn cách cột sống (dấu hiệu Elsberg – Dyke) trên phim thẳng. Sự giãn rộng cuống sống chỉ có ý nghĩa khi nó rộng từ 2 – 4mm so với cuống sống trên và dưới nó. Sự tăng và giãn cách cuống sống có thể từ một vài thân đốt sống.

Dấu hiệu này chỉ gặp trong trường hợp u khá lớn và hay gặp trong các trường hợp u ác tính xương cột sống. Theo Navy (1982); Namer và Goldhahn (1987) chỉ có 13  -19% các trường hợp u tuỷ có biểu hiện thay đổi ở cột sống.

Chọc ống sống thắt lưng (OSTL):

Chọc OSTL nhằm kiểm tra lưu thông, kiểm tra màu sắc và thay đổi các thành phần dịch não tuỷ (DNT); theo các tác giả có tới 90% trường hợp rối loạn lưu thông dịch não tuỷ.

Kiểm tra lưu thông bằng nghiệm pháp Queckenstedt và Stockey:

Nếu u tuỷ ở cổ hoặc ở ngực, khi u to, nghiệm pháp Queckenstedt cho thấy tắc hoàn toàn khoang dưới nhện của tuỷ, nhưng nghiệm pháp Stockey cho thấy DNT ở phần dưới của u vẫn lưu thông tốt.

Bình thường DNT trong vắt, không màu. Trong u tủy, DNT có thể màu vàng sánh hoặc phớt vàng gặp 25% u ở trong chất tuỷ; gặp 50% u tuỷ dưới màng cứng và 15% u NMC tuỷ. Người ta cho rằng sự ứ trệ tĩnh mạch ở phía dưới u dẫn tới chảy máu vi thể vào DNT vào DNT và sự phân hủy hồng cầu (hemoglobin) sẽ chuyển thành sắc tố vàng.

Bình thường albumin trong DNT là 15 – 40mg%. Tăng albumin trong DNT là bằng chứng của u tuỷ. Tăng albumin chủ yếu gặp trong u tuỷ DMC trên 60%, u trong tuỷ gặp khoảng 9% và u NMC chỉ gặp 15%. Phía dưới u bao giờ albumin cũng tăng cao và u rễ thần kinh thì albumin tăng cao hơn các loại u khác.

Tăng albumin trong DNT có khi tới vài gram/lít. Trường hợp albumin quá cao, khi lấy DNT ra ngoài và để một lúc sẽ thấy DNT đông chắc như thạch (dấu hiệu Froin +)

Tế bào trong DNT không tăng (bình thường 1-3 tế bào lympho/mm3). Trong u tuỷ thường bao giờ DNT cũng có sự phân ly albumin và tế bào, tăng albumin nhưng tế bào bình thường. Froin (1903) đưa ra 3 dấu hiệu đặc trưng trong u tuỷ là: DNT có sắc tố vàng, tăng albumin và tế bào bình thường

Thời gian gần đây nhờ có kính hiển vi điện tử (cùng với sự phát triển của ngành siêu cấu trúc tế bào), các tác giả đã chẩn đoán được nguồn gốc của u tuỷ thông qua nghiên cứu thành phần dịch não tuỷ.

Chụp tuỷ cản quang:

Chụp tuỷ cản quang lần đầu tiên được Dandy W.E. tiến hành năm 1919 bằng loại cản quang âm tính (không khí hoặc oxy). Đến năm 1921 Sicar F. chụp tuỷ cản quang bằng lipiodol thành công mở đầu cho việc dùng các chất cản quang dương tính để kiểm tra khoang dưới nhện. Chất cản quang lipiodol mang nhiều nhược điểm như: viêm dính màng nhện, tồn tại lâu dài trong khoang dưới nhện. Sau này nhờ công nghệ phát triển, đã sản xuất ra các chất cản quang tan trong nước Metrizamide (amipaque, omnipaque, iopamiron) vào năm 1969 do Amen người Hà Lan tìm ra. Từ năm 1975 cho đến nay, chất cản quang tan trong nước không ion hoá và không gây độc với tuỷ, được dùng để chẩn đoán u tuỷ, thoát vị đĩa đệm và một số bệnh lý khác đã thực sự thay thế các chất cản quang tan trong dầu trong việc kiểm tra khoang dưới nhện.

Khi tiến hành kỹ thuật người ta bơm vào khoang dưới nhện từ 10 – 15ml chất cản quang rồi thay đổi độ dốc của bàn tuỳ theo yêu cầu trong chẩn đoán. Hình ảnh X.quang sau chụp tuỷ có thể thấy các hình ảnh sau:

Viêm dính khoang dưới nhên: thuốc cản quang đọng thành giọt loang lổ hình da báo.

U tuỷ dưới màng cứng lớn làm thuốc cản quang tắc hoàn toàn và dừng lại ở cực dưới của u có hình “chôn chén” hoặc “hình càng cua”. Đây là hình ảnh đặc trưng trong u rễ thần kinh hoặc u màng tuỷ.

U ngoài màng cứng tuỷ: cột thuốc cản  quang tắc hoàn toàn và dừng lại ở cực dưới u có hình nham nhở đều như hình răng lược.

Nếu u nhỏ chưa gây tắc hoàn toàn khoang dưới nhện, thuốc cản quang vẫn đi qua nhưng ở vị trí u có hình lẹm khuyết cột thuốc cản quang.

Chụp cắt lớp vi tính (CLVT):

Chụp CLVT cho biết vị trí u nhưng nhược điểm là khó xác định được khi u còn nhỏ và nhiều trường hợp không xác định được rõ vị trí u, không biết được sự liên quan của u với xung quanh do hình ảnh xương cột sống che lấp.

Chụp cộng hưởng từ (MRI: magnetic resonance imaging):

Là phương pháp ưu việt hơn hẳn so với chụp CLVT và các phương pháp khác; máy MRI có thể chụp cột sống và tuỷ sống ở các bình diện khác nhau (theo mặt phẳng nằm ngang, mặt phẳng đứng dọc và đứng ngang), cho biết chắc chắn vị trí u (u DMC, NMC hoặc u trong chất tuỷ), kích thước u, mối liên quan của u với tổ chức xung quanh; ngoài ra chúng còn cho biết tính chất tổ chức học của u trên ảnh MRI.

Một số hình ảnh đặc trưng của u tuỷ trên ảnh MRI có thể thấy như sau:

U rễ thần kinh:

Trên ảnh T1W u có đồng cường độ tín hiệu với tuỷ; trên ảnh T2W u cho cường độ tín hiệu thấp, do vậy nhìn thấy rõ vị trí và kích thước của u. Nếu tiêm cảm quang từ u bắt cản quang rõ hơn.

U mỡ:

Trên ảnh T1W và T2W u cho cường độ tín hiệu cao so với tuỷ và DNT và trên ảnh MRI là hình sáng trắng.

U nội tuỷ:

U nội tuỷ thường kéo dài một vài đoạn tuỷ. Trên ảnh T1W u có đồng cường độ hoặc giảm tín hiệu so với tuỷ. Vùng tủy có u sẽ dầy hơn, có thể thấy được phần chắc cũng như phần nang trong u, thậm chí thấy được cả hình ảnh chảy máu trong u.

Trên ảnh T2W phần đặc và phần nang của u cho cường độ tín hiệu cao.

Nếu trên ảnh T1W và T2W khó xác định được giới hạn đích thực của thì nên tiêm cản quang từ (GADO) sẽ thấy rõ giới hạn của u thì u bắt cản quang từ.

Trên ảnh MRI đôi khi gặp khó khăn trong việc xác định là u tế bào hình sao hay u màng ống nội tuỷ.

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LÝ CHÈN ÉP TUỶ.

Chẩn đoán:

Việc chẩn đoán u tuỷ ở giai đoạn sớm (giai đoạn đau rễ) còn nhiều khó khăn theo Arseni chỉ có khoảng 20% u tuỷ được chẩn đoán ở giai đoạn rễ. Theo Fried (1988) chẩn đoán giai đoạn sớm khoảng 25%, Osborn A.G (1994) nhận thấy trong những năm gần đây nhờ có máy chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) và chụp cộng hưởng từ (MRI) thì tỷ lệ u tuỷ được chẩn đoán sớm đã đạt khoảng 50%.

Chẩn đoán u tuỷ cần phân biệt với các bệnh khác ở vùng bụng ngực và một vài bệnh phát sinh từ cột sống, với tất cả các tổn thương trong ống sống liên quan đến rễ hoặc tuỷ. Giai đoạn đau rễ cần chẩn đoán phân biệt với những bệnh đau thần kinh chẩm, hội chứng cổ vai, những bệnh ngực – bụng (viêm màng phổi, đau thắt ngực, bệnh dạ dày tá tràng, bệnh gan mật) với những bệnh vùng thắt lưng cùng (bệnh lý gai đôi, hội chứng thắt lưng hông, bệnh lý chậu hông…) tuy nhiên không được quên rằng u tuỷ có thể kết hợp với các bệnh lý nói trên.

Muốn chẩn đoán bệnh u tuỷ, ngoài các triệu chứng lâm sàng nói trên còn cần phải dựa vào các xét nghiệm chuyên khoa như đã nêu ở trên.

Điều trị và tiên lượng:

Chỉ định phẫu thuật tuyệt đối cho tất cả các bệnh nhân đã được xác định có u tuỷ.

Chỉ định tương đối với các trường hợp u tuỷ cổ cao quá lớn và bệnh nhân đến ở giai đoạn muộn, những bệnh nhân già yếu, những bệnh nhân có lao phổi tiến triển, những bệnh lý ác tính cột sống đã rõ ràng, di căn tràn lan.

Chỉ định mổ cấp cứu trong những trường hợp u bị kẹt hoặc chảy máu trong u gây liệt chi, gây bí tiểu một cách đột ngột.

Điều trị ngoại khoa có kết quả tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó việc chẩn đoán sớm là vô cùng quan trọng. Các tác giả trong và ngoài nước đều cho rằng: phẫu thuật vào giai đoạn đau rễ đem lại nhiều kết quả tốt.

Mục đích phẫu thuật là lấy bỏ toàn bộ u và hạn chế đến mức thấp nhất làm tổn thương tuỷ và rễ. Trong các trường hợp u màng tuỷ và u rễ thần kinh có khả năng lấy u trọn vẹn. Một số u ác tính hoặc tiến triển ác tính thì việc lấy toàn bộ u là rất khó khăn.

Thời gian hồi phục vận động ít nhất là từ 3 tháng trở lên, các tác giả thấy rằng: nếu bệnh nhân bị liệt không hoàn toàn thì thời gian có dấu hiệu phục hồi phải từ 2 tháng trở lên.

Tái phát của u tuỷ khoảng từ 3 – 4% tuỳ theo tính chất của u và quá trình phẫu thuật có lấy hết tổ chức hay không.

Điều trị phục hồi sau mổ đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó  giúp bệnh nhân mau chóng trở lại cuộc sống đời thường đồng thời tránh được các biến chứng như loét điểm tỳ, viêm phổi, viêm bàng quang thận, teo cơ cứng khớp.

THEO DÕI VÀ ĐIỀU TRỊ SAU PHẪU THUẬT.

Theo dõi  sau mổ u tuỷ những ngày đầu phải chú ý hô hấp của bệnh nhân (vì thường bệnh nhân phải gây mê nội khí quản) đặc biệt chú ý ở những bệnh nhân mổ u tuỷ cổ.

Theo dõi chảy máu tại vết mổ hoặc cơ quan liên quan đến quá trình phẫu thuật (bụng – ngực).

Tình trạng toàn thân: mạch, huyết áp, nhiệt độ; chế độ dinh dưỡng theo đường truyền, đường ăn uống.

Trở mình chống loét điểm tỳ (phải chú ý giữ thẳng trục cột sống – 3 giờ/1 lần); thông khí tránh ứ đọng phổi, chống viêm phổi (vệ sinh răng miệng, vỗ đập lồng ngực).

Săn sóc tiết niệu (đặc biệt chú ý ở những bệnh nhân liệt tuỷ). Rửa bàng quang, nếu có viêm đường tiết niệu, thay thông tiểu từ 5 đến 7 ngày/1 lần.

Vận động liệu pháp chống teo cơ, cứng khớp.

Thực hiện mệnh lệnh của bác sĩ chuyên khoa.

Chú ý:

Sau 7 – 10 ngày cắt chỉ vết mổ.

Sau 24 – 48h rút dẫn lưu vết mổ.

Sau khi kiểm tra không có chướng bụng mới cho ăn nhẹ và chế độ ăn bình thường sau 3 ngày.

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Các phương pháp chẩn đoán bổ trợ thần kinh.

Nhà xuất bản Y học Hà Nội – 1998.

Bùi Quang Tuyển.

U tuỷ sống. Bệnh học ngoại khoa sau đại học – tập I.

Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2002: trang 219 – 231.

Bùi Quang Tuyển, Nguyễn Hùng Minh.

Nghiên cứu lâm sàng chẩn đoán và phẫu thuật u tuỷ sống.
Tạp chí Y học thực hành số 436, Hà Nội – 2002: trang 96 – 99.

Nguyễn Hùng Minh.

Nghiên cứu chẩn đoán sớm và điều trị ngoại khoa bệnh u tuỷ tại bệnh viện 103.

Luận án Phó tiến sỹ khoa học Y dược chuyên ngành Phẫu thuật đại cương – Học viện Quân y, Hà Nội – 1994.

Lê Điểu Nhi.

U trong ống sống – Bệnh học phẫu thuật thần kinh.

Nhà xuất bản Y học Hà Nội – 2003: trang 201 – 210.

Võ Tuấn Sơn và cộng sự.

Tổng kết mổ u tuỷ sống tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ 6/1994 đến 6/1996.

Tạp chí Y học Việt Nam – chuyên đề Phẫu thuật thần kinh số 6,7,8 – 1998: trang 133 – 142.

Bùi Quang Tuyển, Thái Khắc Châu.

Đối chiếu chẩn đoán lâm sàng, kết quả phẫu thuật với chẩn đoán cộng hưởng từ trong u tuỷ và thoát vị đĩa đệm. Tạp chí y học quân sự số 2- 2002: trang 35 – 40.

Bowers DC, Weprin BE. 2003

Itramedullary spinal cord tumors. Curr treat option neurol; 5(3): 207- 212.

Greenberg M.S. 1997

Handbook of neurosurgery fourth edition. Greenberg Graphics, Inc. Lankeland – Florida: 335 – 345.

Mc Cormick P.C; Stein S.M. 1997

Spinal cord tumors in adult. Neurological surgery fourth edition. W.B.Saunders company.

Nittner K. 1976

Spinal meningiomá, neurinomas and neurofibromas and hourglass tumor

NewYork, American Elsevier Co.Inc

Pasztor E. 1980

Concise neurosurgery for general pratitioners and students

Budapets

Handbook. US 2009.

BÌNH LUẬN

WORDPRESS: 0