CÁC PHƯƠNG PHÁP CHỤP X QUANG HỆ TIẾT NIỆU:
Phương pháp chụp tiết niệu không chuẩn bị (còn gọi là chụp thận thường).
Yêu cầu:
Thụt tháo sạch 2 lần trước khi chụp.
Không uống các loại thuốc có tính chất cản quang: Bismuth, viên đạm; không sử dụng các loại thuốc cản quang dạ dày, đại tràng, thực quản 3 ngày trước khi chụp.
Mục đích:
Phát hiện sỏi cản quang ở tiết niệu (về hình thể, kích thước, vị trí và số lượng).
Thấy được những thay đổi ở vùng cột sống thắt lưng và vùng cùng cụt.
Có thể thấy được bóng thận trên phim chụp.
Hình : Sỏi đường tiết niệu
Kỹ thuật:
Chụp một phim thẳng lấy từ DXII đến hết khớp mu.
Nếu có nghi ngờ chụp một phim nghiêng để chẩn đoán phân biệt với sỏi mật, các hạch mạc treo đóng vôi, vôi hoá tuỵ tạng, vôi hoá tuyến thượng thận (nằm trước cột sống).
Chú ý: Một số trường hợp phải dùng quả nén, nén vào vùng có hình cản quang, để phân biệt hình cản quang ở trong hay ngoài đường tiết niệu.
Chụp thận bơm khí sau phúc mạc:
Mục đích:
Làm hiện hình bóng thận nhờ đối quang âm tính của khí.
Nhận diện hình thể tuyến thượng thận, bờ cơ thắt lưng.
Kỹ thuật:
Chọc kim điểm sau trực tràng, trước xương cùng cụt và bơm khí.
Khí có thể là O2 hoặc khí trời đã được tiệt khuẩn, lượng khí bơm vào từ 300 đến 500 ml.
Chú ý: Bơm khí vào bên nào thì phải nằm nghiêng bên ấy, chụp phim sau khi bơm khí 15 – 30 phút. Nên để bệnh nhân nằm sấp cho khí lên cao.
Chụp thận thuốc tĩnh mạch
(Thường được gọi tắt theo tiếng Pháp là phương pháp chụp UIV – Urographie intra veineuse.
Yêu cầu:
Thụt tháo kỹ trước khi chụp.
Thử phản ứng thuốc cản quang loại Iode tan trong nước.
Nồng độ ure máu dưới 7mmol/l.
Thuốc dùng: là loại thuốc cản quang Iode tan trong nước có đặc tính bài tiết chọn lọc ra đường tiết niệu như: Visotrast 370, Telebrix 350…
Mục đích:
Đánh giá chức năng bài tiết của thận:
Chụp UIV thường được chỉ định cho những bệnh nhân sỏi tiết niệu, để đánh giá chức năng bài tiết của thận trước khi phẫu thuật. Chức năng bài tiết của thận thường bị ức chế do sỏi gây ứ niệu tăng áp lực sau thận. Trong u thận, lao thận giai đoạn đầu vì có tăng tưới máu nên chức năng thận vẫn còn, về sau chức năng thận giảm hoặc mất.
Đánh giá những biến đổi hình thể đài-bể thận trong thường hợp bệnh lý như: u thận, lao thận, chấn thương thận, thận đa nang…
Xác định vị trí sỏi cản quang.
Phát hiện sỏi thận không cản quang.
Đánh giá tình trạng lưu thông đường tiết niệu
Kỹ thuật:
Tiêm chậm vào tĩnh mạch 20 ml thuốc cản quang Iode tan trong nước.
Sau khi tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch, dùng quả nén cao su ép vào vùng bụng, tương ứng vị trí niệu quản hai bên để giữ thuốc lại trên đài-bể thận. Bình thường, thuốc cản quang được bài tiết ra đường tiết niệu sau khi tiêm thuốc cản quang 5 – 7 phút và đạt mức cao nhất ở phút thứ 30. Chụp các phim ở phút thứ 15, 30… Nếu đài-bể thận ngấm đầy thuốc cản quang thì thả nén và chụp một phim toàn thể để xem lưu thông của đài-bể thận, niệu quản xuống bàng quang.
Nếu sau 30 phút không thấy thuốc cản quang xuất hiện ở đài-bể thận là biểu hiện chức năng bài tiết của thận kém.
Đài bể thận bình thường (UIV có nén) | UIV chụp sau khi thả nén |
Chống chỉ định:
Dị ứng với Iode.
Huyết áp cao.
Sốt cao.
Urê máu cao trên 7 mmol/l.
Bệnh nhân bị mất nước nặng.
Đang mang thai.
U tuỷ.
Suy thận, suy tim và suy gan mất bù.
Chụp niệu quản-bể thận ngược dòng
( thường được gọi tắt theo tiếng Pháp là phương pháp chụp UPR-Urétéro pyélographie rétrograde).
Mục đích:
Phát hiện các hẹp, tắc niệu quản do sỏi hoặc các nguyên nhân khác.
Nhận diện hình thể đài-bể thận, niệu quản trong trường hợp chụp thận thuốc tĩnh mạch không ngấm.
Phương pháp:
Đưa sonde ngược dòng từ niệu đạo vào bàng quang qua ống soi bàng quang để vào niệu quản sau đó bơm thuốc cản quang hoặc khí trời đã tiệt khuẩn qua sonde. Nếu bệnh nhân có viêm bàng quang hay niệu đạo thì không nên làm kỹ thuật này vì dễ gây viêm bể thận ngược dòng.
Chụp thận thuốc tĩnh mạch liều cao:
Chỉ định:
Sỏi thận hai bên mà chụp UIV thận không bài tiết.
Urê máu cao.
Chấn thương thận nghi có dập vỡ thận .
Chụp niệu quản ngược dòng (Bơm thuốc cản quang) | Chụp niệu quản – bể thận ngược dòng (Bơm khí- Sỏi niệu quản trái ) |
Kỹ thuật:
Có thể sử dụng khoảng 40 – 50 ml thuốc cản quang trên một bệnh nhân (được tính theo liều tối đa là 1m1 thuốc cản quang cho 1kg thể trọng). Lượng cản quang này được hoà với 100 – 150 ml huyết thanh ngọt đẳng trương và truyền vào tĩnh mạch với tốc độ nhanh trong 10 – 15 phút, sau đó chụp phim ở các phút 15, 45, 60… cho đến khi thuốc ngấm ra đài-bể thận thì kết thúc.
Chụp UIV kết hợp bơm khí sau phúc mạc:
Đây là phương pháp thuận tiện để hiện hình bóng thận và cả đường tiết niệu trên cùng một phim chụp.
Chụp bàng quang bơm khí:
Đưa sonde từ niệu đạo vào bàng quang, sau đó bơm một lượng khí trời đã tiệt khuẩn, thường khoảng 200 – 300 ml vào bàng quang và chụp phim. Chụp phim bàng quang bơm khí rất có giá trị chẩn đoán u tiền liệt tuyến, u bàng quang.
Chụp niệu đạo ngược dòng:
Thuốc cản quang được bơm ngược dòng vào niệu đạo. Mục đích là để phát hiện hình ảnh dập, vỡ hoặc hẹp tắc niệu đạo.
Chụp động mạch thận:
Chỉ định:
Chẩn đoán hẹp, tắc động mạch thận.
Chẩn đoán những biến đổi của động mạch thận trong u thận, thận đa nang.
Trong chấn thương thận nghi vỡ, rách nhu mô, rách đứt động mạch thận.
Đánh giá động mạch thận của người cho trước khi ghép và khả năng phục hồi của thận ghép.
Kỹ thuật:
Phương pháp Seldinger: Đưa catheter qua động mạch bẹn vào động mạch chủ bụng để chụp động mạch thận chọn lọc hoặc chụp động mạch chủ bụng để hiện hình động mạch thận cả hai bên.
Phương pháp Dos Santos: chọc kim trực tiếp vào động mạch chủ bụng qua lưng. Phương pháp này ngày nay ít dùng vì dễ gây tai biến.
Chụp bạch mạch:
Mục đích:
Chẩn đoán các trường hợp dò dưỡng chấp niệu.
Phương pháp:
Tiêm dưới da xanh Evans vào vùng mu chân để làm hiện hình bạch mạch.
Bộc lộ bạch mạch.
Bơm thuốc cản quang dầu loại Lipiodol ultra fluide bằng bơm áp lực.
Chụp phim sau khi bơm thuốc 30 phút đến 1 giờ.
Hình ảnh X quang:
Trong đái dưỡng chấp, thuốc cản quang ngấm vào hệ thống bạch mạch quanh thận và dò thuốc cản quang ra đài bể thận.
Chụp cắt lớp vi tính (CT. scanner):
Phương pháp:
Tiến hành như chụp cắt lớp ổ bụng thông thường với độ dày mỗi lớp 10mm.
Chụp cắt lớp có tiêm cản quang tĩnh mạch để đánh giá tình trạng ngấm cản quang ở nhu mô thận và đường tiết niệu.
Chỉ định:
Các u ở thận và u sau phúc mạc như: ung thư thận, u tuyến thượng thận, kén thận …
Chấn thương thận.
Lao thận.
áp xe thận.
U bàng quang.
HÌNH ẢNH X QUANG THẬN BÌNH THƯỜNG .
Trên phim chụp tiết niệu không chuẩn bị:
Có thể thấy được bóng thận nằm hai bên cột sống từ DXII – LIII, rốn thận tương ứng LII , sát bờ ngoài cơ thắt lưng chậu, bóng thận trái cao hơn thận bên phải khoảng 1 đến 2cm. Thông thường chỉ thấy rõ được bờ dưới thận.
Trên phim chụp UIV:
Về hình thể:
ở người bình thường, chụp thận thuốc tĩnh mạch có nén cho thấy các đài-bể thận hiện hình đầy đủ vào phút thứ 30 sau khi tiêm thuốc cản quang. Có ba nhóm đài lớn (trên, giữa và dưới), mỗi nhóm đài có từ 3 đến 6 đài con hình tam giác, đỉnh hướng rốn thận. Nếu hướng đài trùng với hướng chùm tia chụp, sẽ tạo nên trên phim hình cản quang tròn. Các đài lớn đổ vào bể thận. Bể thận có hình tam giác, đỉnh hướng xuống dưới. Niệu quản chạy dọc hai bên cột sống, đường kính ngang rộng từ 3 – 5mm, có chỗ bị đứt đoạn do nhu động, khi xuống đến tiểu khung thì rẽ vào trong để đổ vào bàng quang.
Về chức năng bài tiết:
Chụp UIV không ép niệu quản:
Khi chụp UIV, nếu không ép niệu quản thì sau khi tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch khoảng 2 phút sẽ có hình ngấm cản quang của các hốc thận. Vì thuốc cản quang qua niệu quản và lưu thông dần xuống bàng quang nên các đài thận bể thận không thấy được đầy đủ. Ngay cả trong kỹ thuật chụp tiết niệu truyền nhỏ giọt tĩnh mạch với thuốc cản quang liều cao cũng không cho hình đài bể thận rõ nếu không ép niệu quản.
Hình: Sơ đồ UIV
Chụp UIV có ép niệu quản:
Có một số tác giả cho rằng nên ép sớm niệu quản (khoảng 2 phút sau khi tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch) vì ở người bình thường sau 2 đến 5 phút thận đã bài tiết. ép niệu quản sớm không cản trở đến sự bài tiết chất cản quang và không làm cho thuốc cản quang chậm ngấm vào trong các hốc thận. Nhờ ép niệu quản, thuốc cản quang sẽ đọng trong các mô thận cho phép thấy được rõ hơn hình của toàn bộ đài, bể thận.
HÌNH ẢNH BỆNH LÝ CỦA HỆ THỐNG TIẾT NIỆU:
Sỏi:
Sỏi cản quang:
Trên phim chụp thận không chuẩn bị, nếu sỏi cản quang thuộc loại phosphat hay oxalat canxi dễ thấy, nhất là sỏi to đóng khuôn trong đài-bể thận (sỏi san hô). Sỏi nhỏ nằm trong đường tiết niệu có thể thay đổi vị trí theo tư thế bệnh nhân. Đặc biệt là sỏi nhỏ của niệu quản, có khi di chuyển tự do trong lòng niệu quản vì niệu quản ứ niệu lâu ngày bị giãn to. Đây là lý do khiến các phẫu thuật viên phải hết sức lưu ý và nhất thiết phải cho chụp kiểm tra lại vị trí của sỏi ngay thời điểm trước khi đưa bệnh nhân lên bàn mổ.
Sỏi bàng quang thường tròn hoặc bầu dục có nhiều vòng đồng tâm.
Sỏi niệu đạo thường nằm ở giữa xương mu vì vậy phim chụp tiết niệu không được thiếu hụt vùng này.
Nếu sỏi nhỏ cản quang nhạt đôi khi phát hiện được trên siêu âm mà không thấy được trên phim chụp X quang. Đặc biệt là các sỏi niệu quản bị chồng lên hình các mấu ngang cột sống hoặc khối xương cùng cụt, khi đọc phim rất dễ bỏ sót. Phim chụp thận có nén sẽ cho thấy hình sỏi rõ hơn vì có sự dịch chuyển đi chút ít (phân biệt với hình các đảo xương là nằm cố định).
Hình: Sỏi niệu quản 1/3 giữa Phải | Hình: Sỏi đài bể thận 2 bên |
Sỏi không cản quang:
Thuộc loại xantin và muối của axít uric, chỉ có thể phát hiện được trên phim chụp UIV, UPR hoặc siêu âm. Sỏi không cản quang trên phim chụp UIV hoặc UPR thể hiện thành hình khuyết thuốc cản quang tròn hay bầu dục dạng “trôn chén” nằm trong bóng mờ của “ cây tiết niệu”.
Lao thận:
Trên phim chụp thận thường:
Thay đổi hình thể và kích thước: Bóng thận có thể vẫn bình thường hoặc to ra. ở giai đoạn di chứng thận thường bị bị teo nhỏ. Bờ thận có khi lồi, khi lõm, bị biến đổi do sự có mặt của các ổ mủ. Đài, bể thận có thể bị giãn do xơ chai.
Các hình đóng vôi: tạo nên những nốt mờ lổn nhổn thành từng đám (hình thận vôi vữa). Bờ thận có nhiều vòng do đóng vôi ở nhục thận. Khi chụp UIV, các hình mờ vôi hoá lẫn trong thuốc cản quang nên khó phân biệt với sỏi.
Trên phim chụp UIV:
Thông thường, trong giai đoạn đầu của lao thận, chức năng bài tiết của thận vẫn tốt. Khi chức năng bài tiết kém là tiên lượng xấu.
Các biến dạng của đài-bể thận có thể do hang phá huỷ ở nhục thận hoặc do tổn thương viêm và xơ chai của đường tiết niệu gây nên. Hang lao phá huỷ có thể xuất hiện ở nhục thận, nằm cạnh một đài thận. Vì vậy, đài thận có khi bị cắt cụt hoặc có khi lại phình ra, trông như hình một cái nấm. ở giai đoạn lao xơ hoá, đài thận có thể bị hẹp lại có dáng mảnh khảnh. Nói tóm lại, những hình ảnh thường gặp của lao thận là: đài thận hẹp và ngắn lại, bể thận teo nhỏ, chít hẹp, dãn đài thận trên chỗ hẹp; hoặc đài và bể thận bị kéo về phía hang lao; hình thành một hang hoặc nhiều hang nhỏ tựa như hoa cúc. Các hình đọng thuốc cản quang trong hang lao thường không tiêu được khi thả nén.
Hình biến dạng niệu quản kèm theo những tổn thương ở thận trong lao thận gặp khá thường xuyên, đó là: dãn niệu quản do tắc mà không phải do sỏi, niệu quản kiểu tràng hạt, niệu quản có nhiều chỗ hẹp (chỉ phát hiện được trên phim chụp thận thuốc ngược dòng), niệu quản cứng thẳng.
Biến dạng bàng quang: bàng quang thường teo nhỏ, trông rất tròn hoặc méo mó, bờ nham nhở, mờ nhạt, có hình khuyết lõm do viêm tấy giống như u cục.
Các tổn thương niệu quản và bàng quang được phát hiện rõ hơn bằng chụp có bơm cản quang từ niệu đạo ngược lên.
U sau phúc mạc và u thận:
U sau phúc mạc:
Có thể phát hiện ngay những dấu hiệu của u sau phúc mạc trên phim chụp thận không chuẩn bị nếu có các loại hình cản quang như vôi hoá, hình răng, xương… Nếu không có những hình cản quang này thì cần chụp UIV kết hợp với bơm khí sau phúc mạc để phát hiện. Trên phim thấy khối u nằm cạnh thận, các đài thận, bể thận cùng với mô thận bị xô đẩy. Khác với u trong thận là bóng thận không to, không cắt cụt các đài thận.
U tuyến thượng thận:
Chụp BKSPM có hình ảnh một đám mờ tròn nằm ở cực trên thận. Khác với u tuyến thượng thận, tăng sản tuyến thượng thận, tuyến to đều và có hình tam giác. Đôi khi kích thước tuyến vẫn trong giới hạn bình thường mà lâm sàng vẫn có triệu chứng tăng sản tuyến.
Người ta có thể chụp tĩnh mạch tuyến thượng thận để chẩn đoán u tuyến thượng thận giống như chụp mạch máu chọn lọc kiểu Seldinger. Người ta đưa sonde vào tĩnh mạch chủ bụng qua tĩnh mạch đùi vào tĩnh mạch tuyến thượng thận. Nếu có u tuyến thượng thận sẽ xuất hiện mạch bệnh lý vùng u (tăng sinh).
U nang thận và thận đa nang:
U nang thận:
Các u nang nhỏ (bé hơn hạt dẻ) ít khi làm thay đổi bờ ngoài của thận. Loại u lớn đơn độc thường gặp ở phụ nữ, có thể to bằng quả bưởi làm bóng thận to ra. Nang thận có khả năng nhiễm khuẩn, mưng mủ gây khó khăn cho chẩn đoán.
Hình ảnh X quang: Nang to có thể đẩy bể thận và niệu quản vào phía trong. Đôi khi có thay đổi về hình dáng các đài thận như hình chèn ép, lệch hướng, hình in dấu, hình dẹt mỏng.
Thận đa nang:
Thường gặp ở cả hai bên. Mỗi nang có thể có kích thước khá lớn. Thận đa nang thường làm cho bờ thận gồ ghề. Các phương pháp chụp UIV có bơm khí sau phúc mạc, chụp động mạch thận chọn lọc (phương pháp Seldinger) sẽ cho chúng ta nhiều dấu hiệu điển hình của chứng thận đa nang. Các dấu hiệu chèn ép ở nhiều vị trí trong thận làm cho các đài biến dạng, kéo dài, nhưng ít khi bị hẹp, cũng có chỗ bị cắt đoạn như trong các u đặc. Bể thận ít khi bị ảnh hưởng nhưng các hốc thận bị chèn ép lệch hướng nên có hình cánh hoa .
U thận:
Có hai nhóm lớn: nhóm u nhục thận và nhóm u đường tiết niệu (đài-bể thận, niệu quản và bàng quang).
Trên phim thận thường:
Có thể thấy được bóng thận to, gồ gề, thấy rõ trên phim có bơm hơi sau phúc mạc. Tuy nhiên để phân biệt được với thận nước, thận mủ, lao thận thì phải kết hợp thêm siêu âm, chụp động mạch thận hoặc chụp cắt lớp vi tính.
Phim chụp có sử dụng chất cản quang:
Chụp niệu quản-bể thận ngược dòng hoặc có tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch rất cần thiết và cho thấy các dấu hiệu chèn ép các hốc thận. Hình lệch hướng các đài thận: một u nhỏ thì chỉ đẩy lệch hướng một đài nhưng không làm biến dạng đài đó. Bình thường, các đài thận có hướng nhất định: nhóm đài giữa trái thường ở vị trí kim đồng hồ chỉ 15 giờ nhưng một khối u ở phía trên đài phát triển mạnh có thể đẩy đài đó xuống dưới, vào vị trí 17 giờ.
Một u lớn ở cực trên thận có thể làm cho hình những hốc thận giống như một cành dương liễu rủ xuống. Một u ở dưới phát triển lên trên thì hình bể thận và đài thận biến thành hình một dù mở. Một khối u ở vỏ thận có thể làm cho đài choãi ra hai bên như hình gọng kìm.
Hình cắt cụt các đài: một hoặc nhiều đài có thể biến mất một phần hay toàn bộ. Khi một đài lớn bị chèn một phần ở giữa, ta chỉ thấy phần còn lại của đài thận.
Hình kéo dài: đài thận có thể bị lệch hướng không phải do chèn ép mà bị kéo dài. Một khối u to ở thận phát triển gây co kéo một hay nhiều đài. Đài bị kéo có thể thẳng, cong hay quanh co nhiều khúc. Có khi tất cả các đài đều bị kéo và ôm vào xung quanh u như một bàn tay xoè ngón.
Hình giãn đài thận: có thể có một đài thận bị chèn ép không hẹp lại mà giãn ra như cánh hoa. Giữa một đài bị kéo dài có thể có một đài bị phình ra (trong thận đa nang).
Niệu quản hoặc đài-bể thận có thể bị chèn ép bởi một u ở đường tiết niệu, làm cho chức năng bài tiết của thận và lưu thông đường tiết niệu bị đình trệ giống như trường hợp sỏi tiết niệu.
Trên phim chụp động mạch thận, các u nhục thận thường có hình ảnh tăng sinh các mạch máu.
Trên phim chụp cắt lớp vi tính, nếu u ở nhục thận thường cho thấy một vùng tăng tỷ trọng không rõ giới hạn và ngấm thuốc cản quang không đồng nhất.
Chẩn đoán phân biệt:
Khi đọc phim chụp thận nghi có u, cần kết hợp với triệu chứng lâm sàng và kết quả của các xét nghiệm khác. Có trường hợp không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt nhưng nhờ chụp UIV hoặc chụp UPR người ta phát hiện được u thận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp giá trị chẩn đoán về u thận trên phim X quang không phải là tuyệt đối. Cần phân biệt u thận với:
U ngoài thận: thận và niệu quản bị đẩy ra ngoài vị trí bình thường do một u nằm ở cạnh thận như: hạch và khối u sau phúc mạc. Cần được xác định thêm bằng chụp cắt lớp vi tính và chụp động mạch thận chọn lọc. Hình gặm đường bờ cũng thường thấy trong lao thận. Các đài thận bị giãn trong lao thận cũng rất dễ nhầm với hình cánh hoa trong u thận.
áp xe thận: Có thể cho những hình lệch hướng các đài thận, hình in dấu, hình cắt cụt một hay nhiều đài thận.
Sỏi không cản quang ở đường tiết niệu có khi gây nên một hình khuyết thuốc cản quang trên phim chụp tiết niệu có cản quang giống như một u đường tiết niệu. Tuy nhiên, sỏi đường tiết niệu thường có đường bờ nhẵn và có ranh giới rõ.
Sẹo thận do chấn thương: Sẹo do chấn thương thận có thể làm biến dạng hoặc làm mất một hay nhiều đài thận.
Sơ đồ u đường tiết niệu
Dị dạng thận:
Về số lượng:
Thiếu thận: Chỉ có thận một bên, bên thận còn lại thường phì đại do bù trừ, cần phân biệt với thận câm do sỏi niệu quản.
Có thêm thận phụ: Thận phụ thường bé hơn và ở vị trí không bình thường. Việc chẩn đoán phải dựa vào ống thăm dò hoặc vào phương pháp tiêm cản quang vào tĩnh mạch. Phần nhiều thận thừa thuộc loại kép, dính vào nhau nhưng có cuống riêng biệt và một niệu quản đổ vào bàng quang bên cạnh lỗ niệu quản của thận chính hoặc nhập ngay vào niệu quản của thận đó.
Có thể hai bên đều có thận đôi. Mỗi phần của thận đôi có thể bị bệnh riêng biệt nên người ta có thể cắt bỏ bên thận có bệnh lý đi được.
Dị dạng đài bể thận | Thận lạc chỗ |
Dị dạng về hình thể:
Thận dị dạng dài, hình tam giác, có nhiều múi.
Thận hình móng ngựa: Cực dưới thận hai bên dính vào nhau thành hình chữ V giống như đế của móng ngựa do trục của hai bên thận chếch vào trong và xuống dưới ở đây, các đài thận và bể thận có hướng quay vào trong. Bể thận và niệu quản hai bên ở xa cột sống hơn bình thường. Có thể nghi nghờ có thận hình móng ngựa khi thấy cực trên của hai thận thấp và cực dưới hai bên không rõ.
Di dạng về vị trí:
Một bên hoặc cả hai bên thận có thể ở không nằm đúng vị trí giải phẫu. Khác với thận sa là thận sa ít khi xảy ra ở cả hai bên và thường di động. Thận sa thường biến dạng, rốn thận hướng ra phía trước và có nhiều dị dạng khác về mạch máu. Đa số thận sa bị ứ nước. Nhiều trường hợp chẩn đoán sai lầm thận sa với u trong ổ bụng.
Dị dạng về mạch máu:
Dị dạng về mạch máu gặp rất nhiều và quan trọng, nó gây chèn ép niệu quản làm cho thận ứ nước. Động mạch thận hẹp là nguyên nhân của chứng cao huyết áp.
Niệu quản:
Niệu quản cũng có nhiều bất thường về vị trí, hình thể và về số lượng. Trên phim chụp X quang tiết niệu với thuốc cản quang, người ta có thể thấy một bên thận có hai niệu quản riêng biệt hoặc niệu quản đôi, chập vào nhau ở sát bàng quang (theo Ledoux – Lebard, tỷ lệ gặp là 5%).
Túi thừa niệu quản cũng có gặp nhưng hiếm.
BÌNH LUẬN