You dont have javascript enabled! Please enable it! Châm cứu và đau: Những hiểu biết cập nhật và những gợi ý ứng dụng lâm sàng - THƯ VIỆN MEDIPHARM
Trang chủNội khoa

Châm cứu và đau: Những hiểu biết cập nhật và những gợi ý ứng dụng lâm sàng

Bệnh Graves ở người lớn – Cập nhật chẩn đoán và điều trị
Tổn Thương Lành Tính Cổ Tử Cung
Hướng dẫn chẩn đoán xử trí cơn hen phế quản nặng ở người lớn – Bệnh viện Bạch Mai
Thuyên tắc phổi: Dịch tễ học, Sinh lý bệnh, Chẩn đoán, Quản lý và Phòng ngừa
Phẫu Thuật Làm Lại Tầng Sinh Môn Và Khâu Cơ Võng Do Rách Phức Tạp

ACUPUNCTURE AND PAIN – NEW UPDATED INSIGHTS AND APPLICATION SUGGESTIONS IN CLINICAL USE

Phan Quan Chí Hiếu[1], Nguyễn Thị LiNa1

TÓM TẮT

Dù còn tiếp tục tranh cãi về tác dụng giảm đau của châm cứu, nhưng có một thực tế là việc sử dụng châm cứu để kiểm soát đau ngày càng phát triển sâu và rộng khắp trên thế giới. 80% trong 129 quốc gia được khảo sát hiện có sử dụng châm cứu. Việc sử dụng châm cứu ở Hoa Kỳ tăng gấp ba lần từ năm 1997 đến 2007. Đồng thời, những năm gần đây, những nghiên cứu cơ sở của châm cứu cũng đang nhanh chóng mở rộngNhờ vào những khám phá về giải phẫu sinh lý vào cuối thế kỷ 19 và đặc biệt những hiểu biết gần đây về thần kinh sinh học cộng với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, công nghệ thông tin ứng dụng vào y sinh đã khiến cho những hiểu biết cập nhật về cảm giác đau, về ma trận đau, về nhóm huyệt Hoa Đà Giáp Tích, về yếu tố kỹ thuật trong châm cứu. Vận dụng tốt những hiểu biết mới cập nhật này sẽ khiến cho vai trò của châm cứu trong việc giảm đau trở nên hiệu quả hơn trong thực tế lâm sàng và hấp dẫn hơn trong nghiên cứu khoa học.

Từ khóa: châm cứu, đau

ABSTRACT

Despite of controversy over the analgesic effects of acupuncture, there is a fact that the use of acupuncture for pain is growing deeply and widely worldwide. 80% of the 129 countries surveyed currently use acupuncture. Acupuncture use in the United States tripled between 1997 and 2007. In the recent years, the basic research of acupuncture is also rapidly expanding. The discoveries of physiological anatomy in the late 19th century and in particular the recent understanding of neuroscience plus the rapid development of technology, information technology applied to biomedical engineering has made up-to-date insights into pain, the matrix of pain, the Hoa Da Giap Tich acupuncture points and the different technical aspects of acupuncture. Applying these newly updated insights will make acupuncture’s role in pain relief more effective in clinical practice and more attractive in scientific research.

Keywords: acupuncture, pain  

CHÂM CỨU NỔI LÊN VỚI VAI TRÒ CHỒNG ĐAU

Châm cứu, có lịch sử sử dụng 2000 năm, bao gồm châm kim tại nhiều điểm khác nhau, được gọi dưới tên huyệt vị châm cứu, trên khắp cơ thể để thúc đẩy quá trình chữa bệnh và cải thiện chức năng. Mặc dù châm cứu đại diện cho một phần của Y học cổ truyền (YHCT) (là một hệ thống tổng thể bao gồm cả thảo dược, dinh dưỡng, dưỡng sinh thiền định và vận động), nó thường được xem như một liệu pháp độc lập. Về lịch sử châm cứu ở Việt Nam, thời vua Hùng (287-207 trước công nguyên), sử liệu trong ‘Lĩnh Nam Chích Quái’ đã có ghi tên thầy châm cứu giỏi là An-Kỳ-Sinh, người làng Đông Triều, vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, đã dùng châm cứu trị cho 1 người tên là Thôi Văn Tứ ở Cao Lễ, Chí Linh.

Dù việc tranh luận về hiệu quả giảm đau của châm cứu vẫn tiếp tục, nhưng không thể không ghi nhận thực tế việc sử dụng châm cứu ngày càng phát triển sâu và rộng khắp trên thế giới. Trong báo cáo về “Chiến lược y học cổ truyền của Tổ Chức Y tế Thế Giới-WHO 2014 – 2023 nhằm đáp ứng với nghị quyết của Hội đồng Y tế Thế giới về y học cổ truyền (WHA62.13) có ghi nhận như sau: “Một thực hành YHCT đã phát triển đáng kể là châm cứu. Mặc dù châm cứu ban đầu là một tính năng của y học cổ truyền, nhưng hiện nay nó được sử dụng trên toàn thế giới”. Theo báo cáo được cung cấp bởi 129 quốc gia, 80% trong số họ hiện có sử dụng châm cứu. Việc sử dụng châm cứu ở Hoa Kỳ tăng gấp ba lần từ năm 1997 đến 2007(1) 

Không chỉ gia tăng rộng rãi và ngày càng nhiều việc sử dụng châm cứu trong chăm sóc và điều trị người bệnh trong thực hành lâm sàng hàng ngày, nghiên cứu cơ sở của châm cứu cũng đang nhanh chóng mở rộng. Từ năm 1991 đến năm 2009, gần 4000 nghiên cứu châm cứu đã được công bố, với các nghiên cứu về đau chiếm 41% các nghiên cứu về châm cứu(1).

Một câu hỏi cần đặt ra: “Nên vận dụng những kết quả nghiên cứu khoa học của châm cứu ngày càng nhiều như hiện nay, lồng ghép chúng với những hiểu biết của người xưa như thế nào để phát huy cao hơn nữa kinh nghiệm quý từ lâu đời của tiền nhân vào lĩnh vực kiểm soát đau?”

NHỮNG KIẾN THỨC CẦN CẬP NHẬT TRONG MỐI LIÊN QUAN GIỮA ĐAU VÀ CHÂM CỨU?

Kiến thức chung về đau

Đau theo quan niệm y học hiện đại

Đau là loại cảm giác đặc biệt, bất thường, khác biệt với các giác quan như vị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và thị giác. Gần đây, sự hiểu biết về đau đã có nhiều thay đổi. Thời trước, đau được quan niệm như một loại cảm giác khó chịu, trái ngược với sự thoải mái. Đau không có con đường riêng và người ta xem nó như một kết quả của kích thích bật thường trên bất kỳ loại cảm thụ quan nào. Những khám phá về giải phẫu sinh lý vào cuối thế kỷ 19 và đặc biệt những hiểu biết gần đây về thần kinh sinh học cộng với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, công nghệ thông tin ứng dụng vào y sinh đã khiến cho cảm giác đau trở nên đặc biệt.

Đau có

Những cảm thụ quan riêng biệt. Cảm thụ quan đau đều là các vi thể trần (free nerve endings) có tế bào nằm ở hạch sau tủy sống hoặc nhân dây thần kinh số 5. Cảm thụ quan đau chỉ được kích hoạt khi kích thích vượt quá ngưỡng gây hại. Kích thích đau càng lớn, phản ứng càng mạnh. Cảm thụ quan đau không có hiện tượng “thích ứng” như các loại cảm thụ quan khácĐiều này có nghĩa là nếu kích thích đau liên tục có thể làm giảm ngưỡng đau.

Những đường dẫn riêng,

Những trung khu riêng. Và những trung khu này ngày càng được phát hiện thêm những điểm mới thú vị liên quan đến đau → MA TRẬN ĐAU.

Những tổ chức này sẽ được huy động ngay khi có 1 tác động được xem là đau làm ảnh hưởng đến sự sống của cơ thể. Hệ thống báo động này thường tỏ ra hiệu quả bởi vì nó tạo nên những hành vi ứng xử có tính bảo vệ, giúp con người tránh xa nguy hiểm hoặc hướng tớ những chăm sóc cấp cứu.

Thật sự rất khó có 1 định nghĩa đơn giản cho cảm giác đau. Theo Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Đau (IASP): “Đau là một trải nghiệm khó chịu về cảm giác và cảm xúc xuất hiện cùng lúc với tổn thương thực sự hay tiềm tàng của các mô (International Association for the Study of Pain)(2).

Ngày nay, đau được xem như I cảm giác khó chịu, bao gồm những thành phần cảm giác, tình cảm (affective), nhận thức (cognitive) và hành vi ứng xử thay đổi tùy từng cá thể.

Thành phần cảm giác giúp nhận ra vị trí, thời gian và cường độ của kích thích đau.

Thành phần tình cảm tạo cho cảm giác đau có tính chất khó chịu, lo âu và biến đổi nó thành sự than thở.

Thành phần nhận thức giúp giải thích được ý nghĩa của đau, phân tích và bày tỏ biểu hiện đau.

Thành phần thái độ bao gồm những biểu hiện tạo ra bởi đau như: vận động (thoái lui, chạy trốn), ngôn ngữ (la, rên rỉ), thực vật (dãn đồng tử, mạch nhanh, rối loạn vận mạch).

Sự đa dạng của các thành phần nói trên thể hiện sự tham gia của nhiều cấu trúc thần kinh.

Phân loại đau

Đau chức năng còn được gọi là là đau có căn nguyên tâm lý

Ở loại đau này tình trạng rối loạn về tâm lý hoặc tâm thần đóng vai trò chủ yếu, trong khi những thương tổn thực thể hoặc không có hoặc không đáng kể.

Đau thực thể

Trong nhóm này, được phân biệt có 2 loại đau: đau do ghi nhận đau trở nên quá mức (đau cảm nhận) và đau do thương tổn thần kinh (đau thần kinh).

Đau gây bởi kích thích gây đau trở nên quá mức (Đau cảm nhận)

Loại đau này do tín hiệu đau quá mạnh, dữ dội. Trong loại đau này hệ thần kinh trung ương cũng như ngoại biên không có tổn thương thực thể hoặc bị rối loạn chức năng nào. Loại đau này có nguồn gốc từ các bệnh lý ở nội tạng, mạch máu và cơ quan vận động (khớp, xương, gân, cơ). Thường nguồn gốc của loại này nhiều nhất là “thấp”. Tình trạng mô “viêm” làm phóng thích một lượng lớn các hoạt chất trung gian thần kinh (kinine, prostaglandine, chất P..). Những chất này sẽ kích thích mạnh mẽ và kéo dài các “cảm thụ quan trần” của các sợi A và C, tạo nên tín hiệu đau, vượt qua được sự ức chế ở sừng sau tủy sống, sự ức chế của hệ thống á phiện nội sinh, đến được các đường và trung khu đau.

Đau do thương tổn hệ thần kinh

Loại đau này xuất hiện do hệ thần kinh trung ương hoặc ngoại biên bị thương tổn hoặc bị rối loạn chức năng, còn gọi là đau có nguồn gốc thần kinh. Nguyên nhân của chúng gồm thương tổn các dây thần kinh ngoại biên (viêm dây thần kinh, bỏng buốt, đau chi ma…), thương tổn các rễ thần kinh (fibrose épidurale sau cắt bỏ đĩa đệm, zona, cắt bỏ rễ thần kinh…), những thương tổn mạch máu hoặc chấn thương của hệ thần kinh trung ương (H/C đồi thị, thương tổn mạch máu ở thân não và tủy sống…). Loại đau này do mất khả năng ức chế (do thương tổn các sợi lớn Aβ nên không còn phát huy được hệ thống kiểm soát cửa) kết hợp với tình trạng tăng cảm các sợi thần kinh dẫn truyền đau (hiện tượng sensitization). Những loại đau có nguồn gốc thần kinh xuất hiện ở các chi, thân và não. Chúng thường xuất hiện vài ngày cho đến vài tuần sau khi có thương tổn. Chúng có 1 điểm cơ bản là có 1 nền “cảm giác nóng như bỏng” thường trực với các cơn đau dữ dội trong vùng tương ứng, thường kèm theo có mất cảm giác trong vùng đau. Nếu tình trạng mất cảm giác không hoàn toàn. Thường có tình trạng hyperpathie (sờ và tiếng động làm cơn đau tái phát). Thường có kèm rối loạn dinh dưỡng và vận mạch (phù, nóng, đổ mồ hôi). Hơn nữa, đau thường tăng lên bởi cảm xúc và ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vật lý.

Đau cấp (trường hợp chấn thương, thống phong..) 

Nhìn chung, được xem như 1 dấu cảnh báo thương tổn ở các mô. Theo Wall, đau cấp đòi hỏi phải nghỉ ngơi để được giảm đau (tương tự như cảm giác đói hay khát). Mặt khác đau cấp làm phát sinh kích thích giao cảm gây tăng trương lực cơ vùng đau, gây tăng huyết áp, co mạch, nhịp tim nhanh. Cuối cùng nó thường có kèm theo 1 trạng thái lo lắng ít hoặc nhiều(3).

Đau mạn

Nó không được xem là dấu hiệu báo nguy. Theo Leriche “đau mạn là 1 món quà tai hại, làm suy sụp con người, làm cho họ càng bệnh thêm”. Theo Sternbach trong đau mạn không có đáp ứng giao cảm mà xuất hiện các triệu chứng thực vật, triệu chứng trầm cảm (thể hiện ở cả mặt tinh thần và hành vi). Các bệnh nhân trở nên suy nhược, mất ngủ, dễ bị kích thích, không muốn ăn. Hoạt động thể chất và tình dục giảm sút. Mối liên hệ với gia đình và xã hội bị rối loạn. Họ luôn nghiên cứu tìm hiểu về thuốc và các phương pháp điều trị. Tuy nhiên tình trạng trầm cảm của họ luôn bị che giấu bởi các triệu chứng biểu hiện ra ngoài(4).

Đau theo quan niệm Y học cổ truyền

Trong cách sách vỡ kinh điển của Y học cổ truyền, chứng đau nhức thường được trao đổi dưới các khái niệm Tý, Thống.

Chứng đau nhức có thể nói là chứng trạng thường khiến con người tìm đến sự hỗ trợ. Vì thế từ rất sớm trong các tài liệu kinh điển của Đông Y đã có dành rất nhiều phần để nói về vấn đề này. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nội dung liên quan rãi rác trong rất nhiều (nếu không nói là hầu hết) chương của các sách kinh điển. Đồng thời, người thầy thuốc cổ xưa cũng dành hẳn những chương để bàn luận về vấn đề này như Tý luận, Thích yêu thống, Cử thống luận (Tố Vấn)(5), Luận thống (Linh Khu)(6).

Những nhận xét, những luận giải của người thầy thuốc Đông Y cổ xưa về chứng Tý, Thống được ghi chép trong các y văn kinh điển từ lâu đời cũng giống như những khía cạnh mà giới khoa học hiện đại ngày nay quan tâm như đau cấp, cảm nhận đau của từng cá thể, đau mạn, rối loạn hành vi tình cảm trong đau, những nguyên nhân của đau. Điều này cho thấy người xưa đã rất quan tâm vấn đề này cũng như đã thể hiện rõ nét sự quan sát kỹ lưỡng, tinh tế; phân tích rất đáng để tìm hiểu và kết hợp.

Nguyên nhân gây đau theo YCT

Do hàn tà tấn công (cục bộ): Sở dĩ khí huyết không lưu thông được là do hàn khí tấn công vào kinh mạch làm mạch, cân co lại, làm khí huyết không lưu thông được. Kỳ bá khi phân giải về vấn đề này đã nêu: Hàn khí ký túc ở ngoài mạch thời mạch hàn, mạch hàn thời co quắp, co quắp thời cân cấp, do đó bên ngoài dẫn tới các tiểu lạc, cho nên thốt nhiên đau. Được hơi nóng thời đau khỏi ngay.

Do bệnh ngoại cảm (toàn thân): Mạch Dương duy, một trong 8 mạch kỳ lạ của hệ thống kinh mạch của cơ thể, là mạch nối liền tất cả các đường kinh dương của cơ thể. Vì thế mạch Dương duy chịu trách nhiệm bảo vệ, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của tà khí. Khi hệ thống này suy yếu, sẽ gây nên bệnh cảnh của ngoại cảm Bệnh ở Dương Duy khiến người yêu thống đau mà nó nổi cồn lên như thũng”.

Do bất nội ngoại nhân: Do tư thế làm việc không phù hợp dẫn đến chấn thương gây xuất huyết, ứ huyết gây đau: “Bệnh ở mạch Hành lạc, khiến người yêu thống, không thể cúi ngửa. Nếu ngửa lên thời như muốn ngã. Bệnh này gây nên bởi mang vật nặng làm thương đến yêu (thắt lưng), ác huyết tụ lại đó.

Do bệnh lâu ngày ở Tạng Phủ kết hợp ngoại tà. Kỳ bá khi phân giải về vấn đề này đã nêu: Năm Tàng đều có “Hợp” bệnh mắc lâu không giải đi được, sẽ ký túc vào nơi “hợp” đó. Cho nên, nếu Cốt tý không dứt, lại cảm với tà, nó sẽ ký túc tại Thận, Cân tý không dứt, lại cảm với tà, nó sẽ ký túc tại Can, Mạch tý không dứt, lại cảm với tà, nó sẽ ký túc tại Tâm, Cơ tý không dứt, lại cảm với tà, nó sẽ ký túc tại Tỳ, Bì tý không dứt, lại cảm với tà, nó sẽ ký túc tại Phế…

Những hình thức của đau theo Y CT

Thốt thống: Đau cấp mà khí thực: Đau rõ ràng, và người bệnh tránh né không cho chạm vào chỗ đau (chối nắn). Đấy là do mạch đầy mà khí huyết loạn nên chối nắn: Hàn khí ngừng trệ, khí nó vùng ngược lên, do đó mạch đầy lớn mà khí huyết loạn, cho nên đau không thể đấm bóp(5)“.

Đau mơ hồ, không rõ (do hàn khí trú ở sâu). Vì nguyên nhân nằm ở sâu nên có đấm bóp cũng không đạt đến nơi cần thiết nhằm làm tán hàn khí ấy: “Hàn khí ký túc ấy ở mạch xương sống, cho nên án mạnh tay xuống cũng không tới, nên dù có đấm bóp cũng vô ích”.

Biểu hiện của đau liên hệ rất chặt chẽ với khí huyết bị tắc trở ở vùng cơ thể, kinh mạch: Những sách kinh điển YHCT mô tả rất nhiều về nội dung này:

Hàn khí làm tắc mạch Xung (giữa bụng ngực lên trên) gây nên triệu chứng đau cấp vùng bụng kèm cảm giác nghẹn ở ngực, khó thở và mạch đi bức). “Hàn khí ký túc ở xung mạch, xung mạch khởi quan nguyên, theo “phúc bộ” dẫn lên. Hàn khí ký túc thời mạch không thông, mạch không thông khiến cho khí nghẽn lên ở Hung nên suyễn và mạch động bựt lên tay”.

Hàn khí làm tắc trở ở hệ tiêu hóa gây đau kèm nôn mửa: “Hàn khí ký túc ở Trường vị, quyết nghịch ngược lên, cho nên đau mà nôn“.

Hàn khí tắc trở ở Tiểu trường gây đau kèm tiêu chảy: “Hàn khí ký túc ở Tiểu trường, tại đó không thể gây thành chứng tụ, cho nên sau khi đau thời tiết hạ“.

Đau có gây rối loạn tình cảm, tâm lý người bệnh: “Bệnh ở mạch Phi dương khiến người yêu thống, lúc đau tê tái rầu rĩ, quá lắm thời kiêm cả bi (buồn) và khủng (lo sợ)”. Biểu hiện này phù hợp với tình trạng đau mạn gây ảnh hưởng đến tình cảm, tâm lý người bệnh.

Có thể thấy, người thầy thuốc Đông Y cổ xưa cũng đã ghi nhận được và tìm cách giải thích sự cảm nhận khác nhau của từng cá thể với các tác nhân gây đau. Thiếu Du trong phần trao đổi với Hoàng Đế đã nhận định về vấn đề này như sau: Có 1 số người, xương của họ cứng, gân của họ mềm, thịt của họ mềm mại, bì phu dày, họ có thể chịu được sự đau nhức, và do đó, họ cũng có thể chịu đựng được sự thống cảm do châm và cứu gây nên. Và ông cũng nêu rõ: “Nếu có người thân thể cường tráng, thêm vào đó, họ có bì phu mầu đen, xương cốt rắn đẹp, họ có thể chịu được sự thống cảm của sự cứu đốt”. “Người nào cơ nhục rắn chắc mà bì phu mỏng, đa số họ không chịu đựng được sự thống cảm của sự châm thích, do đó đối với sự thống cảm của việc cứu đốt, họ cũng không chịu được”(6).

Và người thầy thuốc châm cứu xưa rất chú ý khi tiến hành trị đau thông qua thái độ người thầy thuốc khi châm trị. Đó là khi chăm sóc và điều trị người bệnh, người thầy thuốc YHCT luôn được yêu cầu đặc biệt quan tâm đến ĐẠO CHÂM, ĐẠO KIM. Đó là phải chú tâm đến các yếu tố tinh thần, tình cảm của người bệnh, ngoài việc chú ý đến yếu tố kỹ thuật và năng lực của thầy thuốc(6) 

Cơ chế giảm đau của châm cứu

Cơ chế giảm đau của châm cứu theo YHCT

So với y học phương Tây, triết học y học phương Đông liên quan đến nhiều ý tưởng đan xen có thể được coi là xa lạ hoặc không khoa học. Các khái niệm như Khí (chất sống hoặc năng lượng bẩm sinh), lý thuyết Âm dương, Bát Cương (Lý/Biểu, Nhiệt/Hàn, Thực/Hư,

Âm/Dương), lý thuyết ngũ hành, hệ thống kinh lạc và một số lý thuyết khác là những ý tưởng trừu tượng được sử dụng để giải thích các mối quan hệ và mô hình xảy ra trong tự nhiên.

Việc không có những khái niệm tương đương trong Tây Y cho những ý tưởng này, có thể góp phần vào sự không quen thuộc và chậm chấp nhận Đông Y bên ngoài châu Á. Theo quan điểm YHCT, cơ thể được xem là một tổng thể, được tạo thành từ các bộ phận được kết nối với nhau; các bộ phận có thể phụ thuộc và/hoặc ức chế lẫn nhau về mặt sinh lý và bệnh lý. Năm Tạng (cơ quan âm) là những bộ phận tạo thành các đơn vị cốt lõi của cơ thể và được liên kết thông qua các kinh mạch khác nhau có liên quan đến các Phủ (cơ quan dương). Mặc dù hệ kinh lạc hoạt động như một hệ thống phức tạp mang và phân phối khí và huyết, chúng không phải là mạch máu và không có cấu trúc kênh giải phẫu; chúng cũng không nhìn thấy được. Ý tưởng này tương tự như cách một dòng sông chảy, với sự tắc nghẽn dọc theo các dòng sông tạo ra bệnh ở hạ lưu trong cơ thể. Do đó, châm cứu có thể giúp khôi phục dòng chảy và đưa cơ thể trở lại bình thường thông qua việc kích thích các điểm trên hệ thống kinh mạch ấy.

Kinh mạch lúc nào cũng lưu hành không ngừng, vòng quanh không nghỉ(6). Nếu hàm khí vào kinh mà ngừng trệ, dịt lại không dẫn đi được, ký túc ở ngoài mạch thời huyết ít, ký túc ở trong mạch thời khí không thông, nên “thốt nhiên” mà đau.

Cơ chế giảm đau của châm cứu theo Y học hiện đại

Một trong những lý do cho những tranh cãi tiếp tục xung quanh châm cứu là thiếu hiểu biết rõ ràng về cơ chế hoạt động cơ bản của nó. Trong nhiều thế kỷ, việc châm cứu hoạt động như thế nào đã được giải thích trong các thuật ngữ trừu tượng như âm, dương và khí.

Từ hơn 60 năm qua đã bắt đầu và ngày càng nhiều các nghiên cứu các cơ chế sinh học tiềm năng chịu trách nhiệm về các tác động sinh lý được thấy trong điều trị châm cứuMặc dù vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về các cơ chế châm cứu và cơ thể con người nói chung, nhưng đã có nhiều kiến thức liên quan đến châm cứu với các con đường thần kinh từ kích thích huyệt vị châm cứu, đến tủy sống, đến các trung tâm đau trong não đã được ngày càng làm cho rõ ràng hơn.

Châm cứu đã được chứng minh là kích hoạt một số opioid nội sinh của cơ thể cũng như cải thiện độ nhạy cảm của não với opioids(7).   

Một số chất sinh hóa khác liên quan đến giảm đau đã được tìm thấy được giải phóng hoặc điều chỉnh bằng cách kích thích châm cứu, bao gồm ATP và adenosine, GABA và chất P(8,9).

Trong khi nghiên cứu đã phát hiện ra một số lý thuyết thú vị, tuy nhiên làm thế nào các cơ chế này tương tác để tạo ra hiệu quả điều trị của châm cứu vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, việc nhìn vào các thành phần khác nhau của hệ thống thần kinh đã giúp cung cấp một số quan điểm sâu sắc. Đó là “Phải xem xét đến hệ thống thần kinh”. Chúng tôi và Han JS đều nhất trí điều này bởi vì thuốc gây tê cục bộ được tiêm xung quanh một dây thần kinh ngoại biên tại một huyệt châm cứu sẽ ngăn chặn tác dụng giảm đau của châm cứu(10). 

Một cách để khái niệm hóa các cơ chế của châm cứu là xem xét các tầng khác nhau của hệ thống thần kinh (từ tầng ngoại vi đến tầng trung ương) và cách mỗi tầng bị ảnh hưởng. Trong hệ thống thần kinh trung ương, châm vào huyệt sẽ kích thích hệ thống endorphin tự nhiên, làm thay đổi cảm giác đau. Tác dụng này có thể đảo ngược với naloxone trong mô hình động vật, chỉ ra rằng việc chặn hệ thống endorphin cản trở hiệu quả giảm đau của châm cứu(11) 

Hệ thống serotonergic trung ương cũng được tham gia. Các nghiên cứu hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (f-MRI) đã chỉ ra rằng châm kim vào một số huyệt cụ thể đã điều chỉnh những khu vực của não.

Ở tầng tủy sống, lý thuyết điều khiển cổng được cho là có vai trò thiết yếu. (Lý thuyết điều khiển cổng nêu rõ kích thích vào không đau sẽ đóng cổng không cho các kích thích đau đi vào, điều này ngăn cảm giác đau di chuyển đến hệ thần kinh trung ương.) Việc điều trị châm cứu đã được chứng minh có điều chỉnh đường vào cảm giác xảy ra ở sừng sau tủy sống, ảnh hưởng đến phản ứng đau sinh lý(12). Các thụ thể opioid cũng bị ảnh hưởng ở tầng tủy sống(13) .

Kết hợp với nhau, điều trị châm cứu tạo ra những thay đổi sinh lý trong não, tủy sống và ở ngoại vi, làm cho nó trở thành một phương thức trị liệu thực sự độc đáo.

Ngoài ra, năm 2013, nhóm tác giả Li C, Yang J, Sun J, Xu C, Zhu Y, et al đã công bố một ghi nhận thú vị. Đó là phản ứng của não khỏe mạnh đối với châm cứu có thể khác với người có bệnh(14).

Đau có nhiều chiều (còn được gọi nhiều thành phần). Ngoài chiều cảm giác còn những chiều nhận thức, cảm giác và tình cảm. Các nghiên cứu trên các mô hình đau ở động vật đã cho thấy điện châm ức chế thành phần cảm giác của đau bằng cách tạo ra tác dụng chống đau. Hoạt động của điện châm trên thành phần tình cảm chỉ mới được nghiên cứu gần đây. Một mô hình chuột đau viêm CFA đã được kết hợp với test loại bỏ vị trí có điều kiện (a conditioned place avoidance test) để xác định xem liệu điện châm có ức chế phản ứng tình cảm gây bởi đau hay không?(15) Ngoài ra còn có những nghiên cứu khác trong cùng lĩnh vực đo đạc các chiều của đau. Cùng với nhau, những nghiên cứu này cho thấy điện châm gây ra sự giải phóng endorphin để ngăn chặn phản ứng cảm tính và tác dụng này không phải là hậu quả của việc ức chế thành phần cảm giác đau(16,17,18). Điều thú vị là các nghiên cứu trên động vật chứng minh rằng một số loại thuốc, bao gồm morphin, oxycodone, tramadol, ibuprofen và pregabalin, cho thấy sự phân ly rõ ràng giữa khả năng chống khó chịu và chống đau(17). Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy morphine làm giảm thành phần tình cảm của đau hơn là thành phần cảm giác của đau(18). Như vậy điện châm cũng có thể khác nhau trong các hoạt động của nó trên các chiều cảm giác và tình cảm của đau.

Vùng ảnh hưởng của huyệt Hoa Đà – Giáp Tích

Các huyệt Hoa Ðà Giáp Tích xuất xứ từ tác phẩm “Trửu hậu bị cấp phương”, do Cát Hồng biên soạn. Các huyệt này được đặt theo tên của Hoa Ðà, một danh y nổi tiếng thời nhà Hán, vì người ta cho rằng ông là vị thầy thuốc đã phát hiện ra và là người đầu tiên sử dụng nhóm huyệt này vào điều trị. “Giáp” có nghĩa là ở bên hay bên cạnh, “Tích” có nghĩa là cột sống.

Trong các tài liệu xưa, vị trí của các huyệt Giáp tích nằm ở 2 bên cột sống từ đường giữa, đo ra mỗi bên một thốn (Trửu hậu bị cấp phương). Theo các tài liệu cổ có tất cả 34 huyệt. Ngày nay, các huyệt Hoa Ðà Giáp Tích được xem nằm ở dọc hai bên cột sống, cách đường giữa 0,5 thốn. Và các nhà châm cứu phân chia như sau: Từ xương cổ thứ nhất (C1) đến xương thắt lưng thứ năm (L5), từ mỗi gai đốt sống đo ra 0,5 thốn, có một cặp Hoa Ðà Giáp Tích. Những huyệt từ xương cùng 2-4 cũng đo như vậy (có sách nêu có thể lấy Bát liêu để thay thế). Cộng cả hai bên phải trái là 56 huyệt.

Về tác dụng điều trị: Huyệt Hoa Ðà Giáp tích ở đốt sống cổ 1-cổ 4: Trị bệnh ở đầu. Huyệt Hoa Đà Giáp tích ở đốt sống cổ 1-cổ 7: Trị bệnh cổ gáy. Huyệt Hoa Đà Giáp tích ở đốt sống cổ 4- lưng 1: Trị bệnh ở chi trên. Huyệt Hoa Đà Giáp tích ở đốt sống cổ 3-lưng 9: Trị bệnh ở nội tạng, xoang ngực, thành ngực. Huyệt Hoa Đà Giáp tích ở đốt sống lưng 5-thắt lưng 5: Trị bệnh nội tạng ở xoang bụng. Huyệt Giáp tích ở đốt sống lưng 11- lưng cùng 2: Trị bệnh ở thắt lưng, lưng cùng. Huyệt Hoa Đà Giáp tích ở đốt sống thắt lưng 2-lưng cùng 2: Trị bệnh ở chi dưới. Huyệt Hoa Đà Giáp tích ở đốt sống thắt lưng 1-lưng cùng 4: Trị bệnh nội tạng ở hố chậu.

Có thể dễ dàng nhận ra, người xưa, qua thực tế lâm sàng, đã đúc kết được tác dụng điều trị của nhóm huyệt Hoa đà-Giáp tích có quan hệ rất chặt chẽ với khái niệm về tiết đoạn thần kinh trong y học ngày nay.

Nhận định này của người xưa đã được khẳng định với những kết quả nghiên cứu của chúng tôi(19,20) và của Molano MLB, Bonila LBP, Dussan EHB and Londono CAV(21) đã chứng minh rõ được mối quan hệ mật thiết về các huyệt Hoa Đà và tiết đoạn thần kinh tương ứng với chúng.

Vai trò của kỹ thuật trong châm cứu giảm đau

Các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như thao tác châm cứu như tần số kích thích(22,23,24), cảm giác châm cứu(25), công thức huyệt, tình trạng bệnh lý và các loại đau đều có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá hiệu quả điều trị của châm cứu. Thời gian kích thích châm cứu và mô hình châm cứu cũng như đánh giá hiệu quả giảm đau sau điều trị châm cứu trong các thử nghiệm lâm sàng khác nhau thay đổi khác nhau, và các yếu tố phụ thuộc thời gian này có thể là yếu tố quyết định trong việc đánh giá hiệu quả giảm đau của châm cứu.

Tần số kích thích

Các nghiên cứu cho thấy việc giảm đau bởi điện châm tần số 2Hz được tạo ra qua trung gian việc phóng thích met-enkephalin (M-ENK) và βendorphin (β -EP), trong khi điện châm tần số 100Hz sẽ qua trung gian việc phóng thích dynorphin-A (DYN-A) trong hệ thần kinh trung ương ở chuột(22,23).

Kết quả công bố của nhóm Cheng LL(24) trên súc vật (dê) cho thấy các ngưỡng đau thay đổi theo các tần số kích thích khác nhau của điện châm. Ngưỡng đau tăng khi tần số tăng, đạt mức cao nhất ở 60Hz (tăng thêm 91%; tốc độ tăng của nó cao hơn (P <0,01) khi so với bất kỳ tần số nào khác, nhưng giảm ở 80Hz. Kết quả nghiên cứu cũng gợi ý rằng 60Hz đã gây ra sự giải phóng đồng thời ba peptide trong các hạt nhân liên quan đến giảm đau và các khu vực của CNS, có thể góp phần vào sự thay đổi tối ưu của giảm đau và sự thay đổi loài.

Cường độ kích thích & cảm giác đắc khí 

Trên lâm sàng, việc sử dụng đủ liều lượng của châm cứu thường được đánh giá theo cường độ của cảm giác “đắc khí”. Một nghiên cứu rất thú vị được công bố trên Molecular Pain 2011 bởi Shukla S cho thấy “Cường độ của châm đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhận thức đau trung tâm”(25). Đồng thời nghiên cứu này cũng cho thấy nhữngđiểm rất đáng quan tâm như sau:

Cường độ kích thích khác nhau gây kích hoạt và mất kích hoạt ở những vùng não có liên quan đến ma trận đau không hoàn toàn giống nhau.

Cường độ kích thích tối đa nhưng không gây đau (OI-Optimal intensity) gây mất kích hoạt các vùng vỏ não liên quan đau tốt hơn.

Tóm lại, bằng cách áp dụng mô hình điều trị châm cứu cho cơn đau nhiệt cấp tính, kết quả của nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả giảm đau phụ thuộc cường độ của điện châm và các hoạt động của các tầng trên tủy tương ứng. Điện châm tối ưu ở cường độ không độc hại có thể tạo ra trạng thái an thần (bất hoạt) chung ở các vùng trên tủy liên quan đến cả thành phần cảm giác, thành phần tình cảm và nhận thức của đau.

Thời gian kích thích

Một nghiên cứu của Leung AY, Kim SJ, Schulteis G (2008) khi theo dõi sử dụng cùng một cách điều trị kinh Cân với những thời gian kích thích khác nhau dẫn đến thời gian giảm đau kéo dài khác nhau(26). Thời gian điện châm kéo dài mang làm giảm đau bền vững hơn thời gian kích thích ngắn. Kích thích 15 phút dường như là thiết lập tối ưu để điều trị cơn đau cấp tính ở chi dưới.

Công thức huyệt châm cứu

Áp dụng kết quả nghiên cứu trước về điều trị đau cấp ở kinh Cân vào mô hình thí nghiệm đau nhiệt ở người với thử nghiệm cảm giác ngoại biên đã chứng minh rằng điện châm một bên trong thời gian ngắn ở một chi dưới có thể làm giảm tạm thời cơn đau do nhiệt (nâng ngưỡng cảm nhận đau nhiệt) ở hai chi dưới (2 bên). Kết quả này cho thấy kiểu điều trị châm cứu kinh Cân này có thể có ảnh hưởng trực tiếp đến điều chỉnh thần kinh trung ương của đau(27).

Số lần kích thích được lặp lại (trong ngày, trong liệu trình…) có liên quan đến hiệu quả giảm đau của châm cứu.

Trong nghiên cứu công bố năm 2014, Li C đã tiến hành phân tích cơ sở thần kinh của hiệu ứng tích lũy của châm cứu(28). Kết quả thí nghiệm cho thấy phản ứng của não trong giai đoạn khởi đầu là mạnh nhất mặc dù phản ứng của não đối với châm cứu là biến đổi theo thời gian. Đặc biệt, các khu vực não được kích hoạt trong đợt đầu tiên và các khu vực não thể hiện tác dụng tích lũy trong quá trình kích thích châm cứu lặp đi lặp lại chồng chéo ở các khu vực liên quan đến đau, bao gồm vỏ não cingulate giữa hai bên, thùy cạnh trung tâm hai bên, vỏ não SII và đồi thị phải (bilateral middle cingulate cortex, the bilateral paracentral lobule, the SII, and the right thalamus). Hơn nữa, các hiệu ứng tích lũy đã thể hiện các đặc tính lưỡng kim (bimodal characteristics), tức là phản ứng của não là hoạt hóa lúc khởi đầu và trở nên bất hoạt ở giai đoạn cuối. Có ý kiến cho rằng hiệu ứng tích lũy của kích thích châm cứu lặp đi lặp lại phù hợp với đặc điểm của hiệu ứng thói quen.

Kết quả nghiên cứu này đã chứng minh rằng phản ứng của não đối với kích thích châm cứu là biến đổi theo thời gian, trong đó phản ứng của não đối với kích thích ban đầu là mạnh nhất. Phát hiện này phù hợp với các nghiên cứu fMRI châm cứu trước đây(29,30).

Nói một cách dễ hiểu, các hiệu ứng quen thuộc được thể hiện trong quá trình kích thích châm cứu lặp đi lặp lại kéo dài sẽ phản ánh các hiệu ứng tích lũy châm cứu. Những nhận định này rất quan trọng vì sẽ dần làm sáng tỏ và đưa đến chỉ định số lần châm cứu trong ngày mà hiện nay việc chỉ định này vẫn còn dựa trên những kiến thức dựa trện kinh nghiệm của từng thầy thuốc hoặc trường phái.

NHỮNG ỨNG DỤNG TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG GIẢM ĐAU CỦA CHÂM CỨU

Dựa trên những lý luận và trải nghiệm cổ truyền được gìn giữ qua nhiều thời gian và những hiểu biết của khoa học công nghệ hiện đại ngày nay, chúng ta có thể quan tâm, cân nhắc những úng dụng của châm cứu trong thực hành lâm sàng giảm đau sau:

Người sử dụng châm cứu để trị liệu luôn luôn giữ đúng nguyên lý: phải là người thầy thuốc châm cứu không phải là người thợ châm cứu.

Khi liên kết những hiểu biết của 2 nền y học về đau, chúng tôi nhận thấy, dù cách biện giải và từ ngữ của 2 nền y học còn nhiều khác biệt nhưng có 1 điểm rất giống nhau về đau là đau không chỉ liên quan đến cảm giác mang tính vật lý mà còn có cả những yếu tố nhận thức, tình cảm xúc và hành vi. Y học hiện đại ngày nay luôn khuyến cáo việc điều trị đau phải chú ý cả 4 thành phần (chiều-dimension) của đau. Cũng vậy, y học cổ truyền ngay từ rất lâu đã luôn nhắc nhở người thầy thuốc châm cứu khi tiến hành điều trị phải chú ý các yếu tố trên qua khái niệm ĐẠO CHÂM, ĐẠO KIM: “Phàm các phép châm, trước hết ắt phải dựa vào cái ‘gốc’, đó là ‘thần’, người dụng châm phải quan sát bệnh thái của người bệnh, nhằm để biết sự còn mất của ‘tinh, thần, hồn, phách’, nắm cho thành cái ý đắc thất”.

Đây là một vấn đề thách thức trong thời đại ngày nay khi quá trình chuyên môn hóa ngày càng quyết liệt. Ngày nay, rất phổ biến người bác sỹ châm cứu chỉ là người tiến hành khám bệnh, chẩn đoán và ra y lệnh. Và một người khác, thường là người kỹ thuật viên châm cứu sẽ là người thực hiện việc châm trị ấy. Sự phân chia chuyên môn này nếu không giải quyết được yếu tố ĐẠO CHÂM – ĐẠO KIM của bậc tiền nhân sẽ khiến làm giảm hoặc thậm chí biến mất hiệu quả điều trị nói chung và hiệu quả giảm đau của châm cứu nói riêng.

Cơ sở (Chứng cứ) khoa học mạnh mẽ tạo tin tưởng khi sử dụng những khái niệm, lý thuyết cổ truyền.

Trong điều trị các bệnh bằng châm cứu nói chung và điều trị đau bằng châm cứu nói riêng, các thầy thuốc YHCT thường sử dụng một tập hợp các huyệt châm cứu bao gồm những huyệt có vị trí ngay tại chỗ đau hoặc lân cận nơi đau; kèm với những huyệt ở xa, thường là có vị trí từ khuỷu (tay hoặc chân) đến đầu ngón (tay hoặc chân).

Những hiểu biết về cơ chế giảm đau của châm cứu ở các tầng khác nhau của hệ thần kinh, từ ngoại vi (ngoài da, nơi đau) đến các tầng tủy sống và trên tủy sống (nhân dưới vỏ, vỏ não trong ma trận đau) dù chưa thực sự có thể làm sáng tỏ tất cả nhưng củng cố được cách làm rất hiệu quả của người xưa.

Điều trị đau thần kinh: Cân nhắc sử dụng nhóm huyệt Hoa đà Giáp tích tương thích vùng đau.

Do hiệu ứng nhạy cảm ngoại biên và trung ương (peripheral and cntral sensitization) xuất hiện trong loại bệnh lý đau thần kinh mà có hiện tượng tăng cảm, bỏng buốt ngoài da. Đôi khi chúng còn là điểm chốt cò (trigger point), nên việc sử dụng những huyệt có vị trí ngay tại nơi đau (huyệt tại chỗ) nhằm huy động cơ chế giảm đau của châm cứu ở tầng ngoại vi là bất lợi và đôi khi không thể.

Vì vậy, với những kiến thức đúc kết được từ người xưa và cơ chế thần kinh của châm cứu giảm đau ở tầng tủy sống và trên tủy ngày nay, chúng tôi cho rằng việc quan tâm sử dụng nhóm huyệt Hoa đà Giáp tích trong những trường đau thần kinh rất đáng cân nhắc. Lý do:

Giảm nguy cơ châm vào các huyệt là các “chốt cò” (trigger point).

Kỹ thuật kích thích tốt làm phát huy tối đa cơ chế kiểm soát cổng tại tầng tủy tương ứng (ngoài cơ chế hóa sinh).

Những công bố của chúng tôi(31) về vấn đề này dù số trường hợp theo dõi còn hạn chế, nhưng kết quả giảm đau của các huyệt Hoa đà-Giáp tích trong đau thần kinh mạn rất đáng quan tâm.

Làm thế nào để châm cứu phù hợp với một kế hoạch điều trị đau cho bệnh nhân?

Châm cứu có tác dụng giảm đau ấn tượng, sẽ trở thành 1 thành tố rất quan trọng khi cùng phối hợp với nhiều chuyên ngành khác trong chiến lược điều trị đau, đặc biệt là đau mạn tính (một vấn đề khó khăn, phức tạp). Và điều này cũng hoàn toàn được người thầy thuốc hiện đại ngày nay trong khuyến nghị về cách tiếp cận đa mô thức, đa chuyên ngành (trong đó quan tâm đến các yếu tố nhận thức, tình cảm, hành vi) khi chăm sóc và điều trị đau mạn tính(4,32,33). Kiểm soát hiệu quả cơn đau mạn tính liên quan đến việc giải quyết các yếu tố tâm lý xã hội và lối sống theo cách tập trung vào bệnh nhân và tìm kiếm sự kết hợp của các phương pháp điều trị hiệu quả nhất dẫn đến cải thiện khả năng đối phó và cải thiện chức năng.

Khi sự hiểu biết của chúng tôi về tính phức tạp của đau mạn tính ngày càng sâu sắc, vũ khí trị liệu của chúng tôi để kiểm soát cơn đau mạn tính cần phải mở rộng. Trong một bài báo năm 2016 về quản lý đau đa mô thức, các tác giả tuyên bố, “Nhiều mục tiêu cần nhiều hơn một mũi tên” (Many targets need more than one arrow)(34).

Áp dụng những kỹ thuật vào điều trị bệnh nhân

Trong điều trị đau, đã có rất nhiều nghiên cứu từ cơ bản đến ứng dụng thực hành lâm sàng được công bố và có được đồng thuận khá nhiều, thậm chí được ghi rõ trong các hướng dẫn điều trị các loại đau.

Nên cân nhắc sử dụng

Tần số kích thích/điện châm

Cần cân nhắc tần số 60 Hz khi điều trị đau (đặc biệt loại đau cảm nhận). Những tần số từ trên 60 hz đến 100 Hz có vẽ chưa thuyết phục.

Riêng đối với đau thần kinh mạn, nên cân nhắc tần số 2 Hz.

Cường độ kích thích

Với những kinh nghiệm thực hành lâm sàng của người thầy thuốc châm cứu cùng với những kết quả nghiên cứu cơ chế của châm cứu ngày nay, có thể khẳng định việc sử dụng cường độ tối ưu (optimal intensity) cường độ tối đa mà bệnh nhân chịu được và không đau là chọn lựa lý tưởng nhất cho việc kiểm soát tất cả các loại đau bằng châm cứu.

Thời gian kích thích

Trong sách kinh điển châm cứu, thời gian kích thích của châm cứu thay đổi từ 5 phút đến 30 phút, tùy vào loại bệnh và tình trạng chung của cơ thể người bệnh (thường được gọi với tên Hư-Thực). Với những cơ sở của bài viết này, chúng tôi đề xuất áp dụng thời gian 15 phút cho tất cả các loại đau cấp và đau mạn tính.

Số lần châm cứu trong 1 ngày

Có thể thấy hiện nay, số lần châm cứu cho người bệnh trong 24 giờ phổ biến là 1 lần. Việc quyết định tần suất châm trị trong 1 ngày hay trong 1 liệu trình cho đến hiện nay vẫn còn bỏ ngõ. Việc quyết định tần suất này trong các sách kinh điển rất hiếm khi đề cập hoặc nếu có nêu thì cũng không nhất quán nhau. Thú vị là những nghiên cứu về hoạt động của não bộ cho thấy tần suất châm trị có làm thay đổi hiệu quả giảm đau của châm cứu. Nên đây cũng là chủ đề thú vị rất đáng quan tâm của nghiên cứu châm cứu trong thời gian tới.

Tóm lại, nhờ vào việc mở rộng nhanh chóng những nghiên cứu của châm cứu, đặc biệt những nghiên cứu cơ sở, trong thời gian gần đây, cũng như nhờ vào những hiểu biết về giải phẫu sinh lý vào cuối thế kỷ 19 và đặc biệt những khá, phá gần đây về thần kinh sinh học cộng với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, công nghệ thông tin ứng dụng vào y sinh đã khiến cho những hiểu biết cập nhật về cảm giác đau, về ma trận đau, về nhóm huyệt Hoa Đà Giáp Tích, về yếu tố kỹ thuật trong châm cứu trở nên sâu sắc hơn. Vận dụng tốt những hiểu biết mới cập nhật này sẽ khiến cho vai trò của châm cứu trong việc giảm đau trở nên hiệu quả hơn trong thực tế lâm sàng và hấp dẫn hơn trong nghiên cứu khoa học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nahin RL, Barnes PM, Stussman BJ, et al (2009). Costs of complementary and alternative medicine (CAM) and frequency of visits to CAM practitioners: United States, 2007. Natl Health Stat Report, 8:1-14.

Merskey H, Albe Fessard D, Bonica JJ, Carmon A, Dubner R, Kerr FWL, Lindblom U, Mumford JM, Nathan PW, Noordenbos W, Pagni CA, Renaer MJ, Sternbach RA,

Sunderland S (1979). Pain terms: a list with definitions and notes on usage. Recommended by the IASP subcommittee on taxonomy, 6:249–52.

Vignon G (1988). La douleur en rhumatologie. MEDSI/Mc Graw-Hill.

Fordyce WE, Roberts AH, Sternbach RA (1985). The behavioral management of chronic pain: a response to critics. Pain, 22(2):113-25.

Hoàng Đế- (Nguyễn Tử Siêu biên dịch) (2009). Nội Kinh-Tố Vấn, pp:244-254, 259-262. Nhà XB Lao Động-TT Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây.

Hoàng Đế- (Dật Danh-Tiến Thành biên dịch) (2017). Nội Kinh-Linh Khu, thiên Luận thống, Căn kết, Bản Thần. Nhà XB Hồng Đức.

Harris RE, Zubieta JK, Scott DJ, Napadow V, Gracely RH & Clauw DJ (2009). Traditional Chinese acupuncture and placebo (sham) acupuncture are differentiated by their effects on µopioid receptors (MORs). NeuroImage, 47(3):1077–1085.

Zhao ZQ (2008). Neural mechanism underlying acupuncture analgesia. Progress in Neurobiology, 85(4):355–375.

Ammendolia C, Furlan AD, Imamura M, et al (2008). Evidenceinformed management of chronic low back pain with needle acupuncture. Spine J, 8:160-172.

Han JS 2011(). Acupuncture analgesia: areas of consensus and controversy. Pain, 152(3):S41-S48.

Mayer DJ, Price DD, Rafii A (1977). Antagonism of acupuncture analgesia in man by the narcotic antagonist naloxone. Brain Res, 121:368-372.

Ammendolia C, Furlan AD, Imamura M, et al (2008). Evidenceinformed management of chronic low back pain with needle acupuncture. Spine J, 8:160-172.

Zhang R, Lao L, Ren K, et al (2014). Mechanisms of acupuncture-electroacupuncture on persistent pain. Anesthesiology, 120: 482-503.

Li C, Yang J, Sun J, Xu C, Zhu Y, et al (2013). Brain Responses to Acupuncture Are Probably Dependent on the Brain Functional Status. Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, pp.1–14.

Zhang Y, Meng X, Li A, Xin J, Berman BM, Lao L, Tan M, Ren K, Zhang RX (2012). Electroacupuncture alleviates affective pain in an inflammatory pain rat model. Eur J Pain, 16:170–81.

Lagraize SC, Borzan J, Peng YB, Fuchs PN (2006). Selective regulation of pain affect following activation of the opioid anterior cingulate cortex system. Exp Neurol, 197:22–30.

Rutten K, De Vry J, Robens A, Tzschentke TM, van der Kam EL (2011). Dissociation of rewarding, anti-aversive and antinociceptive effects of different classes of anti-nociceptives in the rat. Eur J Pain, 15:299–305.

Jensen TS (1997). Opioids in the brain: Supraspinal mechanisms in pain control. Acta Anaesthesiol Scand, 41(1 Pt 2):123–32.

Nguyễn Văn Đàn, Phan Quang Chí Hiếu (2012). Khảo sát vùng da chịu tác động khi châm tê Hoa Đà Giáp Tích D1-D5. Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 16(1):54-60.

Nguyen Tan Hưng, Phan Quang Chí Hiếu (2012). Khảo sát vùng ảnh hưởng ngoài da của huyệt Hoa Đà Giáp Tích. Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 16(1):48-53.

Molano MLB, Bonila LBP, Dussan EHB and Londono CAV (2014). Anatomo-Functional Correlation between Head Zones and Acupuncture Channels and Points: A Comparative Analysis from the Perspective of Neural Therapy. URL: doi: 10.1155/2014/836392.

Han JS and Wang Q (1992). “Mobilization of specific neuropeptides by peripheral stimulation of identified frequencies”. News in Physiological Sciences, 7(4):176–180.

Fei H, Xie GX, Han JS (1987). “Low and high frequency electroacupuncture stimulations release (met5) enkephalin and dynorphin A in rat spinal cord”. Chinese Science Bulletin, 32(21): 1496–1501.

Cheng LL, Ding MX, Zhou MY, et al (2012). Effects of Electroacupuncture of Different Frequencies on the Release Profile of Endogenous Opioid Peptides in the Central Nerve System of Goats. Article ID 476457, 9 pages. Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine 

Shukla S, Torossian A, Duann JR, et al (2011). The analgesic effect of electroacupuncture on acute thermal pain perception-a central neural correlate study with fMRI. Molecular Pain, 7:45.

Leung AY, Kim SJ, Schulteis G, Yaksh T (2008). The effect of acupuncture duration on analgesia and peripheral sensory thresholds. BMC Complement Altern Med, 8:18.

Leung A, Khadivi B, Duann JR, Cho ZH, Yaksh T (2005). The effect of Ting point (tendinomuscular meridians) electroacupuncture on thermal pain: a model for studying the neuronal mechanism of acupuncture analgesia. J Altern Complement Med, 11:653-661.

Li C, Yang J, Park K, et al (2014). Prolonged Repeated Acupuncture Stimulation Induces Habituation Effects in PainRelated Brain Areas: An fMRI Study. PLoS One, 9(5):e97502.

Bai LJ, Qin W, Tian J, Liu P, Li LL, et al (2009). Time-Varied Characteristics of Acupuncture Effects in fMRI Studies. Human Brain Mapping, 30:3445–3460.

Napadow V, Dhond R, Park K, Kim J, Makris N, et al (2009). Time-variant fMRI activity in the brainstem and higher structures in response to acupuncture. Neuroimage, 47:289–301.

LTS Châu, PQC Hiếu. (2005). Hiệu quả của phương pháp châm tê nhóm huyệt hoa đà – giáp tích đối với chứng đau do ung thưY Học TP. Hồ Chí Minh, 9(2):78-83.

Guzmán J, Esmail R, Karjalainen K, et al (2001).“Multidisciplinary rehabilitation for chronic low back pain: systematic review”. BMJ, 322(7301):1511–1516.

Pergolizzi J, et al (2011). Towards A Multidisciplinary Team Approach In Chronic Pain Management. Change Pain, https://www.pae-eu.eu/wp- content/uploads/2013/12/Multidisciplinary-approach-in-chronic-pain-management.pdf.

Dale R, Stacey B (2016). Multimodal treatment of chronic pain. Med Clin North Am, 100:55-64.

 

[1] Bộ môn Y học Cổ truyền, Khoa Y, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ

BÌNH LUẬN

WORDPRESS: 0